Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp giảm vi phạm

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Tư pháp, những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết trong cả nước ngày càng giảm. Kết quả từ công tác tổ chức thi hành; gắn với nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp dân cư, trong đó việc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giữ vai trò quan trọng.

Trước yêu cầu đổi mới về chất và mục tiêu bảo đảm tính bền vững của công tác PBGDPL, việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia công tác này được xác định là giải pháp đúng đắn, cần thiết và cần được tiếp tục thực hiện trọng tâm, trọng điểm, phù hợp và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho rằng, cần xác định chính sách huy động nguồn lực xã hội trong công tác PBGDPL là cần thiết, tất yếu và coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường xã hội hóa công tác PBGDPL; rà soát, tổng kết, đánh giá những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nghiên cứu nhân rộng.
 Phần thi đạt giải Nhì cuộc thi ''Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng'' năm 2020 của báo cáo viên pháp luật quận Thanh Xuân.
Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn chú trọng thực hiện tốt công tác PBGDPL. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại khu dân cư, hộ gia đình với nội dung phổ biến là các vấn đề như đất đai, hôn nhân gia đình, môi trường sống… Đây là những vấn đề nóng trong xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Thời gian tới, MTTQ tiếp tục đẩy mạnh hình thức tuyên truyền pháp luật tại khu dân cư; thành lập các tổ nòng cốt để tập hợp người dân có trình độ làm công tác PBGDPL; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện công tác hòa giải, xem đây là một trong những cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Xuân Bách - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, cần tiếp tục bám sát đặc điểm của đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số để vận dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp theo hướng dễ hiểu, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp, thiết thực đến người dân. Cùng với đó, cần phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của các đơn vị, nguồn lực về con người, tài chính và thời gian trong công tác PBGDPL; tăng cường tập huấn để nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật.

Tại Hà Nội, thời gian qua, Sở Tư pháp Hà Nội luôn đổi mới để có những cách làm hay, hiệu quả trong PBGDPL; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật qua mạng với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, các fanpage, trang thông tin điện tử; phát huy hiệu quả mô hình tự quản ở cộng đồng… Việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng được Sở đổi mới bằng nhiều hình thức khác nhau như thi online, sân khấu hóa. “Đặc biệt, năm nay, Sở đã tổ chức cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với hình thức thi bằng các video bài giảng, hùng biện, đã đem lại kết quả tích cực. Việc tổ chức cuộc thi mở ra một hướng mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này” - Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần