Tuyên truyền về công tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực

Duy Dũng - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành và giao Sở Công Thương Hà Nội triển khai các chương trình cụ thể trong giai đoạn 2020-2025 như Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội và Đề án phát triển công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội.

Các chương trình đã mang lại những giá trị đáng ghi nhận và đang dần hình thành uy tín với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
 
Đề án phát triển công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đã được triển khai từ năm 2018 với nhiều chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, UBND Thành phố đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) Thành phố (bằng 146,25% so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018-2020). Doanh thu của 77 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2020 ước đạt gần 200 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD. Trên cơ sở thành công đó, Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đề án đặt mục tiêu thu hút sự tham gia của 100-120 doanh nghiệp, với khoảng 150-180 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp 40% đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và từ 20% đến 25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố.

Riêng trong năm 2021, Sở Công thương đặt mục tiêu thu hút 20-25 doanh nghiệp với khoảng 25-30 sản phẩm được công nhận SPCNCL Thành phố năm 2021 và 100% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố. Các hoạt động được triển khai bao gồm việc xét chọn và tôn vinh SPCNCL, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm, cải thiện môi trường đầu tư cho các DN, hỗ trợ kết nối với các đối tác nghiên cứu trong ngoài nước để tiếp cận khoa học công nghệ mới, đào tạo tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ DN về quản trị, thương mại,..

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu trình thành phố ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025, tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mà thành phố có lợi thế, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước. Định hướng trong 5 năm tới, thành phố sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết - cung ứng trong Vùng Thủ đô, đặc biệt trong một số lĩnh vực đã phát triển như: Sản xuất ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo; điện thoại di động..., Hà Nội sẽ tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội, khu công nghiệp sạch tại Sóc Sơn và Đông Anh…

Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2020 đã được triển khai với các hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ… Trong hình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố vẫn triển khai thành công Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2020, trong đó các doanh nghiệp tham gia hội chợ vừa có thể giao thương trực tiếp tại hội trường, qua công cụ họp trực tuyến với doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản và Thái Lan không thể sang Việt Nam trong dịp này. Với hình thức tổ chức độc đáo, Hội chợ đã đạt được kết quả cao, cụ thể như trên 2000 lượt khách tham quan, 5500 lượt giao thông trao đổi, giá trị giao dịch ước tính đạt 2 triệu USD.

Trong năm 2021, Sở Công thương tiếp tục được triển khai các nội dung đã thành công như kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Đặc biệt, Hội chợ năm nay dự kiến sẽ mở rộng kết hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, hàn Quốc và Mỹ. Ngoai ra, Sở cũng triển khải các nội dung mới như xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp CNHT và phát hành các ấn phẩm Cẩm nang CNHT Thành phố.

Việc công nhận và tôn vinh các SPCNCL cũng như có các chương trình riêng để phát triển công nghiệp hỗ trợ của Thành phố góp phần tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững, đồng thời thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi và luôn đồng hành của chính quyền Thành phố đối với các doanh nghiệp Thủ đô trong quá trình phát triển đi lên.