Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển Việt Nam: Trời nắng thì thiếu quân, lúc đủ quân thì... mưa tầm tã.

Theo CAND
Chia sẻ Zalo

Những cơn mưa lớn khiến mặt sân Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) ướt và trơn khiến cho kế hoạch tập luyện của thầy trò Đội tuyển Việt Nam phá sản.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Đội tuyển "chịu" mưa Sài Gòn, thế mà không hiểu sao VFF vẫn không có những thay đổi đáng kể nào.
Chuyện diễn ra vào buổi chiều 10-6, khi HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng rất muốn có một buổi tập chiến thuật - buổi tập chiến thuật đầu tiên kể từ ngày Đội tuyển hội quân sau một tuần.
Nói thế là bởi phải đến ngày 10-6, khi Xuân Trường trở lại Đội tuyển từ CLB Gangwon (Hàn Quốc) và 9 cầu thủ của Hà Nội, Thanh Hoá, Quảng Ninh lên Tuyển sau khi phải cùng CLB của mình đá bù vòng 13 V.League thì Đội tuyển mới có đầy đủ 100% quân số.
Suốt cả tuần trước đó, do thiếu nhân sự trầm trọng nên HLV Nguyễn Hữu Thắng chủ yếu chỉ tập chay với những bài vận động, đá ma nhẹ nhàng. Thế nhưng, cái buổi đầu tiên đủ quân số, cái buổi mà ông Thắng muốn lắp ghép các vị trí để tập chiến thuật một cách tử tế thì ông trời lại đổ mưa rầm rập.
Và thế là sau khi dẫn quân đến sân Thống Nhất rốt cuộc ông Thắng đã không dám cho các cầu thủ tập luyện trên một mặt sân không đảm bảo yêu cầu. Vẫn chỉ là những bài tập khởi động, làm nóng, đá ma và sau đó rút nhanh về khách sạn.
 
 nếu HLV trưởng Đội tuyển không phải là thầy nội, mà là một thầy ngoại như Riedl hay Calisto trước đây thì sự phản ứng sẽ như thế nào?
Đúng là ông trời đã "hành" Đội tuyển Việt Nam bằng những cơn mưa lớn, nhưng đây cũng chẳng phải điều bất ngờ gì. Năm ngoái, Đội tuyển cũng hội quân, chuẩn bị cho chiến dịch AFF Suzuki Cup tại thành phố Hồ Chí Minh, và cũng phải hơn một lần khổ sở vì... trời mưa.
Quá ngán ngẩm, một nhà báo đặt câu hỏi với Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh: Biết là Sài Gòn đang mùa mưa, vậy tại sao VFF vẫn để Đội tuyển tập luyện ở đây? Câu trả lời của ông tổng thư ký khi đó rất láu lỉnh: À, khi chúng ta đá vòng bảng AFF Suzuki Cup ở Myanmar, nhiều khả năng cũng phải đối diện với tình trạng mưa gió, sân trơn, bóng ướt, nên tập luyện ở đây cho dễ thích nghi.
Đấy là một câu trả lời mang nặng tính chống chế vì ai cũng thấy các trận đấu của Đội tuyển ở Myanmar sau đó diễn ra trong cảnh nắng nóng, chẳng có bất cứ giọt mưa nào. Có lẽ sau hai năm liên tiếp chịu trận với những cơn mưa Sài Gòn, VFF cần rút kinh nghiệm nghiêm túc và có những tính toán hợp lý hơn cho những lần tập trung Đội tuyển sau này.
Một vấn đề bất cập khác là sân Thống Nhất thời gian này là nơi mà ngoại trừ hai CLB TP Hồ Chí Minh, cả Đội tuyển thành phố HCM, CLB Gangwon (Hàn Quốc) lẫn Đội tuyển Việt Nam đều có nhu cầu tập luyện. Tại sao lại chọn một cái sân ở một thời điểm mà có cùng lúc quá nhiều đội bóng muốn sử dụng đến như thế?
Để tránh tình trạng chồng chéo này, đã có lúc thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng phải kéo nhau tập luyện ở một cái sân bóng rất kém chất lượng khác - sân bóng của Trung tâm thể thao Công an thành phố.
Nhân sự thì phải đến sau một tuần mới đủ 100%, thời tiết thì mưa gió thất thường, sân bãi thì không đảm bảo, đã có người ví Đội tuyển Việt Nam đợt này được cư xử không khác gì một... đội bóng đá phong trào. Tất nhiên, cách ví von có phần hơi quá, nhưng rõ ràng chất lượng tập luyện đợt này kém hơn hẳn so với trước đây.
Thử hỏi, nếu HLV trưởng Đội tuyển không phải là thầy nội, mà là một thầy ngoại như Riedl hay Calisto trước đây thì sự phản ứng sẽ diễn ra mạnh mẽ thế nào? Nên nhớ là thời Calisto còn dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam, có mỗi việc VFF bất ngờ chuyển sân tập từ Mỹ Đình về Hàng Đẫy (mất chừng 45 phút đi xe) thôi mà nhà cầm quân này đã nổi trận lôi đình.
Thôi thì chỉ còn biết hy vọng, mặc dù thời gian hội quân, tập luyện rất ngắn ngủi, các điều kiện khách quan chủ quan cũng không như ý nhưng mong là tinh thần các tuyển thủ vẫn được giữ nguyên. Và mong là ngày 13-6, ít ra chúng ta cũng có thể đá với Jordan - một trận đấu quan trọng tại vòng loại Asian Cup 2019 trong tình cảnh vẫn còn nguyên... vũ khí tinh thần.