Nguy cơ thiệt hại lớn
Trong đêm 26/12/2021, nhiệt độ thấp nhất đo được tại Sa Pa (Lào Cai) là 7,5 độ C; mưa tuyết đã xảy ra trong thời gian ngắn trên đỉnh Phanxipang. Dự báo từ ngày 27 - 28/12/2021, ở Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội), trời tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại; nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 9 - 12 độ C, vùng núi từ 4 - 7 độ C, vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C.
Số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho thấy, những năm gần đây, tình trạng rét đậm, rét hại ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Đơn cử như đợt rét từ ngày 22 - 28/1/2016 có nhiệt độ thấp trong lịch sử, xảy ra trên diện rộng; một số điểm nhiệt độ rất thấp như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -5,0 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -4,2 độ C. Rét hại, băng giá đã làm 36.678 con gia súc bị chết.
Mới đây nhất, đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 7 - 13/1/2021 với nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) -2,2 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -3,4 độ C, đã làm 2.354 con gia súc bị chết. Đáng chú ý khi trong đợt rét này, đã xảy ra thiệt hại về người do sưởi ấm bằng bếp than bị ngạt khí tại các tỉnh Hà Giang, Quảng Bình.
Chủ động ngân sách phòng, chống rét
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, ngay từ đầu mùa Đông năm nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có Văn bản số 115/QGPCTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; các bộ ngành đề nghị triển khai biện pháp ứng phó.
Những ngày qua, các địa phương khu vực Bắc Bộ vẫn thường xuyên cập nhật diễn biến rét hại, băng giá. Tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa biết để chủ động phòng chống.
Trong những ngày được dự báo rét đậm, rét hại đang diễn ra, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan. Trọng tâm trong ứng phó là tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh. Đặc biệt là không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm; chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của cơ quan chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng...
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các tỉnh, TP chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để thực hiện các hoạt động phòng, chống. Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho người dân, nhất là gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại...