Tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/6, tại phiên chất vấn và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ phục hồi nhanh.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam. Trong đó, chỉ số phục hồi Covid-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"; chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc...

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn

Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm; đã xuất cấp trên 27.000 tấn gạo cứu đói và cứu trợ thiên tai.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trở lại bình thường. SEA Games 31 được tổ chức chu đáo, an toàn, thành công trên nhiều mặt. Các lĩnh vực môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh; một số công việc tồn đọng nhiều năm như tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài từng bước được xử lý; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực.

Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Việt Nam vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77.

Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể.

Cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành. Chính phủ cũng đã trình UBTVQH dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án; phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Việc triển khai Chương trình được chỉ đạo quyết liệt; nội dung này được đưa vào Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng và Thủ tướng Chính phủ đã có 03 công điện để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện.

Về kết quả, đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch). Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình. Các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.  

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất.

Để triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 19 văn bản để phê duyệt, quy định nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn cho 3 chương trình; tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số; danh sách huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc đối tượng của chương trình giảm nghèo bền vững; bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới…

Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách Trung ương 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng trên phạm vi cả nước và phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn chưa đạt yêu cầu về thời gian do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: Ảnh hưởng nhất định của dịch bệnh Covid-19; phương án phân bổ vốn thực hiện Chương trình phải căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (tháng 7/2021) và hằng năm (tháng 10/2021).

Bên cạnh đó, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt mất nhiều thời gian do có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực và phải tuân thủ đúng pháp luật; một số bộ, ngành, địa phương chậm đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn và chưa chủ động, tích cực trong công tác phối hợp; một số nội dung còn trùng lắp, đan xen về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động, chưa phân định rõ nguồn kinh phí gây khó khăn, chậm trễ cho việc thẩm tra, phê duyệt.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dám nghĩ, dám làm; chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền.

Chính phủ yêu cầu, quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước.

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa bàn khó khăn.

Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện; mở rộng phối hợp, hợp tác quốc tế, tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của các Chương trình.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 06 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tính đến ngày 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%.

Trong tháng 5/2022, sáu Tổ công tác đã làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan, địa phương. Quá trình làm việc đã xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, trong đó, tổ chức thực hiện được xác định là khâu yếu; trên cơ sở đó, Tổ trưởng các tổ công tác đã chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó:

Một là, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Hai là, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Bốn là, đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kịp thời có ý kiến với UBND cấp tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2022.

Phấn đấu hoàn thành các quy hoạch trong năm 2023

Thực hiện quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã nỗ lực, tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu do quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập dù đã được tháo gỡ bằng Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng Luật Quy hoạch qua giám sát tối cao của Quốc hội cho thấy còn nhiều chồng chéo, bất cập, chưa rõ ràng, còn cách hiểu khác nhau.

Chính phủ cơ bản thống nhất về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là: thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có mâu thuẫn theo hướng giảm bớt một số thủ tục; sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch mà chưa được bố trí vốn và các quy hoạch được điều chỉnh; điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch; áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lập các quy hoạch mà chưa lựa chọn được nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021- 2030.

Phó Thủ tướng Thường trực trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết nghị tại Kỳ họp này làm cơ sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội (sau khi được Quốc hội thông qua) và tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia trong năm 2023.

Hiện còn 104 quy hoạch nữa phải hoàn thành trong thời gian tới, bảo đảm chất lượng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết.