Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá bớt chao đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam và USD (VND/USD) niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) sáng 8/6 tiếp tục giảm mạnh.

Khác với tuần trước liên tục tăng có lúc chạm mốc 22.500 đồng, từ đầu tuần này, tỷ giá NH và trung tâm liên tiếp giảm, mua vào – bán ra xuống mức 22.290/22.380 đồng/USD, giảm 150 đồng (tương đương 0,7%) cả ở hai chiều mua, bán.

Tạm dừng sau đà tăng mạnh

Trước động thái thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi đề cập khả năng tháng 9 cũng chưa chắc đã nâng lãi suất cơ bản đặt ra khả năng tỷ giá trong nước giảm. Tuy vậy, theo các chuyên gia, quyết định của FED dù có tăng lãi suất lần này cũng sẽ không làm thị trường trong nước chao đảo như những lần trước. “Tác động chắc không quá lớn vì các nhà đầu tư thế giới cũng như nhà đầu tư Việt Nam đã lường đón khả năng FED tăng lãi suất 1 - 2 lần trong năm nay. Điều này có nghĩa là dù quyết định tăng lãi suất của FED nếu được đưa ra thì sẽ không còn tác động mạnh nữa, khác với thời điểm tháng 12/2015” - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Hoạt động kiểm ngân ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc dân. Ảnh: Công Hùng
Hoạt động kiểm ngân ngoại tệ tại Ngân hàng Quốc dân. Ảnh: Công Hùng
Ở góc độ người theo dõi thị trường, ông Đinh Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB) phân tích, sẽ khó có sự điều chỉnh đột biến do mức tăng lãi suất của FED không lớn. Hơn nữa, năm 2015, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá rất mạnh. Việc điều hành tỷ giá theo cơ chế mới (theo tỷ giá trung tâm) cũng sẽ khiến đầu cơ tỷ giá khó hơn, từ đó khó có sóng trên thị trường ngoại tệ.

Tính từ khi NHNN áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới đến nay, tỷ giá mới có những biến động đáng kể. Trước đó, các NHTM luôn duy trì tỷ giá mua và bán VND/USD ở trạng thái bình thường, do các nhân tố chủ yếu tác động đến tỷ giá đều có chuyển biến tích cực hoặc ổn định. Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 10,16 tỷ USD, tăng đến 136,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng với nguồn kiều hối đã giúp cán cân thương mại được cải thiện mạnh. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu ước tính 1,36 tỷ USD, trong khi cả năm 2015 nhập siêu ở mức 3,02 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.

Thông tư 07 tác động ngay đến tỷ giá

Tỷ giá đã giảm về đúng thời điểm trước khi nổi sóng của 10 ngày trước đó. Nếu chiếu theo tác động này, tỷ giá trong nước chỉ biến động nhất thời và sẽ tạm thời ổn định trước khi Fed đưa ra quyết định mới. Tuy nhiên, sức ép chính của tỷ giá được cho là do NHNN ban hành Thông tư 07/2016/TT - NHNN, mở lại tín dụng ngoại tệ cho DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để thanh toán trong nước đến hết ngày 31/12/2016. Theo các chuyên gia kinh tế, NHNN áp dụng lãi suất huy động USD 0% nhằm chống đô la hóa nền kinh tế, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ. Nhưng việc mở lại cho vay ngoại tệ theo Thông tư 07 sẽ gây áp lực lãi suất huy động USD. Và NHNN có thể phải cân nhắc điều chỉnh lãi suất USD để tăng nguồn cung đầu vào khi nhu cầu vay của DN gia tăng. “Sau khi Thông tư 07 được ban hành, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường gia tăng cộng với niềm tin vào khả năng NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất USD để tăng nguồn cung đã tạo áp lực tăng giá đồng USD trong những ngày qua” - chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt phân tích. Do đó, việc NHNN sớm điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD được cho phù hợp với tình hình thực tế, ngăn các NHTM không lách trần lãi suất huy động USD và chính sách tiền tệ được giữ ổn định.

Với các NH, theo tính toán của lãnh đạo một NHTM lớn, hiện chênh lệch giữa chi phí đầu vào và lãi suất cho vay bằng đồng nội tệ chỉ còn dưới 1%. Trong khi đó, lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn là 4,5 – 5,2%/năm; trung và dài hạn lên đến 5,5 – 6,2%/năm. Đây là mức chênh lệch quá hấp dẫn, NH khó có thể bỏ qua. Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý, không thể chủ quan với một số chỉ số kinh tế trong nước. Lạm phát tháng 5/2016 đã tăng 1,88% so với tháng 12 năm ngoái và cả năm dự báo khoảng 4 - 4,5% sẽ tạo áp lực trở lại với tỷ giá. Hay căng thẳng, nợ công và nợ xấu, thâm hụt thương mại nếu xảy ra và ở mức lớn cũng sẽ tạo áp lực.
Lộ trình chống đô la hóa vẫn còn nhiều dư địa. Ví dụ, tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, giảm tỷ lệ trạng thái ngoại tệ, phát triển công cụ phái sinh… Có lẽ chúng ta nên điều chỉnh chính sách hiện nay cho phù hợp hơn, để các NH không cần phải lách trần lãi suất ngoại tệ mà vẫn giữ được sự ổn định trong chính sách tiền tệ.
 Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS Trương Văn Phước