Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá giảm, áp lực lãi suất giảm nhiệt?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi. - Biến động tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau quãng tăng mạnh. Giá USD trong ngân hàng lẫn trên thị trường tự do những ngày qua đều giảm trong bối cảnh nguồn cung dồi dào hơn.

NHNN liên tiếp giảm giá USD

Ngày 25/11, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán USD từ 24.850 đồng xuống 24.840 đồng. Đây là lần thứ 3 liên tiếp NHNN thực hiện giảm tỷ giá bán USD trong tháng này, 2 lần trước đều giảm 10 đồng mỗi đợt. Qua ba lần giảm liên tiếp, giá USD bán ra của NHNN còn 24.840 VND, thấp hơn dưới mức trần biên độ (24.850 VND).

Khép lại tuần qua, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã giảm tới hơn 80 VND/USD.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm trong thời gian gần đây. Cuối tuần, tỷ giá trung tâm do NHNN chốt ở mức 23.669 đồng, giảm 6 đồng sau một tuần. Tương tự, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh giảm. Tại ngân hàng Eximbank, giá USD được giữ nguyên chiều mua vào 24.620 đồng/USD nhưng giảm 35 đồng ở chiều bán ra, xuống 24.820 đồng so với cuối tuần trước; Vietcombank giảm 8 đồng ở chiều mua vào, giá mua xuống 24.578 đồng/USD và giảm 18 đồng ở chiều bán, xuống còn 24.840 đồng/USD...

Trong khi đó, giá USD chợ đen giảm sâu trong tuần qua xuống dưới mốc 25.000 đồng/USD.

Theo giới phân tích, các doanh nghiệp sẽ "dễ thở hơn" bởi những áp lực từ tỷ giá đang giảm dần.

Trên thị trường quốc tế, đồng USD vẫn đi xuống khi chỉ số USD-Index đạt 106,05 điểm, giảm 0,9 điểm so với cuối tuần trước. Tính đến nay, chỉ số USD - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ khác trên toàn cầu - đã giảm hơn 4% kể từ đầu quý IV/2022 sau khi đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trong tháng 9.

Cuộc họp ngày 23/11, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đồng tình về việc sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất từ 0,75 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, dần dần giảm xuống 0,25%.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm sẽ không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua, sức ép tăng lãi suất của Fed giảm cộng với vốn FDI giải ngân tăng tốt và cán cân thanh toán thặng dư là cơ hội để Việt Nam giữ được tỷ giá hối đoái.

Trong báo cáo nhận định và dự báo diễn biến tỷ giá vừa công bố, công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cho rằng, trong những tháng cuối năm 2022, dự báo nguồn cung trên thị trường ngoại hối sẽ được bổ sung một lượng ngoại tệ từ kiều hối. Vì vậy, kỳ vọng dòng tiền từ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thể phần nào giảm bớt áp lực cho tỷ giá USD/VND. Cùng đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giảm thêm trong nửa cuối năm 2023 khi Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất.

Thuận lợi để lãi suất hạ nhiệt

Tỷ giá ổn định được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo dư địa để NHNN điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.

NHNN mua vào ngoại tệ và bán ra VND sẽ củng cố thanh khoản tiền đồng trên thị trường, góp phần giảm lãi suất nội tệ và hỗ trợ tăng trưởng năm 2023. Thanh khoản thị trường và lãi suất liên ngân hàng có thể dần ổn định trong nửa cuối năm 2023.

 

Số liệu của NHNN về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy, sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, tiền gửi đã tăng trở lại, thêm hơn 106.000 tỷ đồng trong tháng 9, vượt mốc 1,4 triệu tỷ đồng. Số liệu tiền gửi tăng trở lại trong bối cảnh nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi trong thời gian qua. Đến hiện tại, nhiều ngân hàng đã tăng thêm 3-3,5%/năm cho các kỳ hạn dài, trong khi các kỳ hạn ngắn cũng đã tăng thêm khoảng 2%/năm.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, tỷ giá bớt "nóng" sẽ làm giảm sức ép tăng lãi suất cho vay lên nền kinh tế bởi lạm phát trong năm nay vẫn được kiểm soát tốt. Khi tỷ giá hạ nhiệt, NHNN thuận lợi hơn trong việc cân nhắc không tăng tiếp lãi suất điều hành.

"Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng NHNN sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ, những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung cho thanh khoản và lãi suất"- TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận tại Đối thoại Điều hành tỷ giá USD-VND mới đây.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc tỷ giá USD/VND bớt “nóng” trong bối cảnh chỉ số đồng USD có dấu hiệu tạo đỉnh và đang giảm sẽ là cơ hội để lãi suất không tăng thêm. Việc này đồng thời tạo dư địa cho NHNN cân nhắc nới room tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường dịp cuối năm.