Đầu phiên giao dịch 12/6 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác ở mức 90,505 điểm, giảm 0,47%.
Đồng USD tiếp tục tăng giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ vững quan điểm rằng tình trạng lạm phát tăng cao chỉ là tạm thời.
Cụ thể, giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5, mức tăng mạnh nhất trong gần 13 năm. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ có rất ít phản ứng với tin tức này.
Trong khi đó, Fed vẫn tiếp tục nhận định còn quá sớm để thảo luận về vấn đề cắt giảm chính sách kích thích kinh tế.
Theo các chiến lược gia của UBS, nhiều nhà hoạch định chính sách của Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhất quán rằng chính sách tiền tệ sẽ chỉ được thắt chặt nếu lạm phát trở nên duy trì hơn - điều mà các cơ quan này cho rằng khó có khả năng xảy ra.
Đã có dấu hiệu cho thấy tâm lý đầu tư rủi ro tăng nhẹ trên thị trường tiền tệ, với đồng đô la Úc tăng so với USD.
Các chiến lược gia của ING lưu ý rằng tình trạng dư thừa thanh khoản từ các ngân hàng trung ương đang thúc đẩy giới đầu tư thu lợi nhuận từ việc nắm giữ các loại tiền tệ có lợi suất cao hơn, do đó đồng bạc xanh sẽ vẫn gặp nhiều áp lực.
Trong khi đó, lập trường ôn hòa từ ECB tại cuộc họp vào thứ Năm (10/6) không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá đồng euro với USD.
Các dữ liệu chỉ ra sự biến động của đồng euro trong 6 tháng đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2020, gần như trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu.
Trên thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.101 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.125 đồng và bán ra ở mức 23.747 đồng.
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng USD phổ biến ở mức 22.850 đồng (mua) và 23.050 đồng (bán).
Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 22.850 đồng/USD và 23.050 đồng/USD.
Vietinbank: 22.845 đồng/USD và 23.045 đồng/USD.
ACB: 22.870 đồng/USD và 23.060 đồng/USD.