Tỷ giá nổi sóng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, giá USD trên thị trường ngân hàng tăng khoảng 170 - 200 đồng. Tình hình địa chính trị, lạm phát… có làm đảo lộn mục tiêu điều hành tỷ giá năm 2022?

Tỷ giá nhích dần

Phiên cuối tuần 21/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.145 VND/USD. Tỷ giá của Vietcombank niêm yết ở mức: 23.000 đồng - 23.310 đồng (mua vào - bán ra), tăng 15 đồng ở cả 2 chiều so với phiên giao dịch trước đó.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước đó, ngày 20/5, các ngân hàng cũng tăng mạnh giá USD thêm 25 - 30 đồng, giá mua vượt mức 23.000 đồng/USD. Vietcombank mua USD lên 23.000 - 23.030 đồng/USD và bán ra 23.310 đồng/USD; BIDV tăng 20 đồng ở mỗi chiều, lên 23.025 - 23.305 đồng/USD. Sacombank đang là 23.046 - 23.303 đồng/USD, tăng 21 đồng ở mỗi chiều mua và bán.

Trong khi đó, VietinBank tăng 16 đồng, lên 23.029 - 23.309 đồng/USD… Giá mua USD của các ngân hàng đang tiến gần đến mức giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN ở mức 23.250 đồng/USD.

Như vậy, so với phiên đầu tháng, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 200 đồng và so với phiên đầu tuần này (16/5), tỷ giá USD tăng 80 đồng/USD. Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua vào và bán ra USD hiện nay đã nới rộng từ 210 - 310 đồng. Tỷ giá USD thị trường tự do ở mức 23.920 - 23.960 đồng (mua - bán).

Tuần này giá USD chững lại khi trước đó đã có chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp. Trên thị trường quốc tế, chỉ số đồng USD có lúc ở mức 103,4 điểm, cao nhất trong khoảng 20 năm qua.

Sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Các nhà đầu tư cũng đẩy mạnh mua vào đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn. Hồi đầu tuần, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm. Đặc biệt, ông còn khẳng định lại cam kết đưa lạm phát về gần ngưỡng mục tiêu 2%.

Việc tỷ giá trung tâm “nổi sóng” không khỏi khiến nhiều DN lo ngại, do đây là công cụ điều hành tỷ giá thị trường của NHNN. Mặc dù tỷ giá trung tâm tăng trong thời gian qua chưa ảnh hưởng đến thị trường, nhưng nếu tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng theo đà tăng của đồng USD thế giới, tỷ giá thị trường chắc chắn cũng sẽ tăng theo. Bởi vì, giá mua - bán ngoại tệ của các ngân hàng hiện chỉ được phép dao động trong biên độ +/-3% so với tỷ giá trung tâm, nên khi tỷ giá trung tâm tăng tới một mức độ nào đó sẽ đẩy tỷ giá thị trường tăng.

Đơn hàng dồi dào nhưng DN đang hoạt động trong điều kiện rất khó khăn do giá nguyên vật liệu, vận chuyển, chi phí sản xuất... tăng cao. Chi phí đầu vào bị đội lên, thêm yếu tố tỷ giá làm gia tăng khó khăn cho DN. Tổng giám đốc một DN chế biến nông sản cho biết, giá USD tăng ảnh hưởng nhiều đến chi phí DN, giá nhập khẩu sản phẩm tăng lên.

Thích ứng để bình ổn

Hiện, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với Việt Nam, nhìn chung, yếu tố hỗ trợ chính cho VND trong giai đoạn tới tiếp tục đến từ nguồn cung USD tích cực (từ đầu tư nước ngoài, thặng dư cán cân thương mại, kiều hối) và bù đắp dòng vốn gián tiếp rút ra khỏi thị trường (xuất hiện khi Mỹ tăng lãi suất).

Công ty Chứng khoán SSI tính toán, tỷ giá USD/VND tuy có tăng mạnh nhưng mức giá hiện tại mới tương đương so với cùng kỳ, và vẫn thấp hơn 2,3% so với mức đỉnh được xác lập vào tháng 3/2020.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, xuất khẩu đang thuận lợi trở lại. 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,53 tỷ USD, giúp nguồn ngoại hối dồi dào. Vốn đầu tư trực tiếp giải ngân gần 6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ, cộng thêm nguồn kiều hối vẫn đổ về... giúp tỷ giá ổn định" - Phó Tổng giám đốc Eximbank Đào Hồng Châu nhìn nhận.

Dù vậy, các chuyên gia cũng khẳng định, đây là dự báo trước cho một năm 2022 đầy vất vả của NHNN trong việc điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất. Một trong những tác động rõ nét của việc FED tăng lãi suất thời gian qua, là lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại đã nhích lên đáng kể.

Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, khả năng cao FED tăng lãi suất với mức độ nhiều hơn. Trong bối cảnh lạm phát siêu nóng, ngân hàng trung ương các nước quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách. Cuộc chiến ở Ukraine không có dấu hiệu giảm bớt, điều này làm mờ đi viễn cảnh lạm phát do giá cả hàng hóa. Trung Quốc vẫn áp dụng đóng cửa ngặt nghèo để ngăn Covid-19. Điều này đe dọa áp lực giá cả toàn cầu tăng cao.

Tại Việt Nam, với tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, trong năm 2022, dự báo giá xăng dầu, hàng hoá tiếp tục tăng gây nên áp lực lạm phát và tạo ra mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế. Dù vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên đến thời điểm này, áp lực lạm phát Việt Nam đang ngày càng gia tăng và gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng trong nước.

Nhiều chuyên gia nhận định thị trường ngoại hối dự báo vẫn có thể biến động với biên độ lớn trong thời gian tới, nếu căng thẳng không dịu bớt. Và như vậy, tương quan tỷ giá cặp VND/USD sẽ dồn áp lực lên chính sách điều hành của NHNN.

 

Tỷ giá tăng chủ yếu gây bất lợi cho những DN thuần nhập khẩu; ở chiều ngược lại tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu; còn những DN hoạt động cả 2 mảng xuất khẩu - nhập khẩu thì không ảnh hưởng nhiều. Tăng nhập khẩu bằng đồng ngoại tệ khác cũng là một lựa chọn. Thay vì chọn nhập khẩu từ những thị trường thanh toán bằng đồng USD, DN linh hoạt tìm kiếm kênh cung cấp hàng từ các thị trường Nhật, châu Âu, Trung Quốc... đang có tỷ giá so với VND ổn định hơn.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn Trần Việt Anh

Theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam đánh giá, 2022 có thể là một năm nhiều biến động cho tỷ giá trong khu vực châu Á nói chung và VND nói riêng. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng, chính sách tỷ giá của NHNN tiếp tục được vận động theo hướng linh hoạt, thích ứng với những biến số mới trên thị trường sẽ giúp xu hướng trung và dài hạn của tỷ giá ổn định hơn.

“Nhìn chung, với những kỳ vọng mới về triển vọng nâng lãi suất của FED, chúng tôi cho rằng áp lực đối với tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng tăng nhưng vẫn trong biên độ kiểm soát khoảng +1% trong năm 2022. Việt Nam vẫn có những tấm đệm an toàn như dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại được duy trì và kiều hối liên tục gia tăng” - nhóm chuyên gia VDSC nhận định.

Cùng chung quan điểm TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng trên thế giới tăng lãi suất có hệ quả là gây ra tổn hại cho nền kinh tế. Tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, NHNN kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, ngày càng sát diễn biến thị trường, với dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8%-1,2%. Do đó, việc tỷ giá tăng cao trong vài tuần gần đây chỉ mang tính thời điểm, tỷ giá biến động trong ngắn hạn, sau đó sẽ dần trở lại mức ổn định.