Giá USD ngân hàng cao nhất 8 tháng
Sau khi tăng tới 18 đồng ở phiên trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay 29/8 niêm yết tỷ giá trung tâm tăng thêm 3 đồng lên mức 23.963 đồng/USD.
Tỷ giá USD ngân hàng trong nước trong sáng nay cũng ghi nhận tăng từ 80-110 đồng. Giá mua USD thấp nhất là 23.890 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.965 VND/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất là 24.250 đồng/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 24.300 đồng/USD.
Trong tuần qua từ 21 - 25/8, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng cũng tăng mạnh, lên tới 219 đồng mỗi USD.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tiếp tục vọt tăng mạnh 91 đồng/USD chiều mua và chiều bán ra so với phiên trước. Chênh lệch giá mua bán được thu hẹp về 100 đồng mỗi USD.
Trên thị trường quốc tế, đồng USD đã tăng giá trong những tuần gần đây do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài, khi nền kinh tế vẫn duy trì sự kiên cường.
Ngoài ra, các nhà đầu tư đang đánh cược việc Ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo, Fed sẵn sàng nâng lãi suất nều cần để kiểm soát lạm phát quá cao; đồng thời dự định duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới khi tự tin lạm phát đang trên xu hướng giảm ổn định về mức mục tiêu 2%.
So với đầu năm 2023, đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD dao động từ 3%-5% nên VND cũng chịu sức ép giảm giá từ yếu tố này.
Bên cạnh tác động từ sự tăng giá đồng USD trên thị trường quốc tế là yếu tố vụ mùa. Thời điểm tháng 8, 9 và cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên doanh nghiệp có nhu cầu nhập hàng để sản xuất hoặc nhập hàng để bán trong nước tăng nên tỷ giá thường có xu hướng tăng cao.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp vốn khó chảy ra nền kinh tế dẫn đến hiện tượng thừa tiền trong ngân hàng. Trên thị trường liên ngân hàng, đồng USD đang giao dịch với lãi suất hơn 5%/năm, trong khi lãi suất VND chỉ 0,5%-0,7%/năm, vì vậy, có hiện tượng tổ chức tín dụng chuyển hóa lượng VND dư qua USD để cho vay lại.
Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam Pyon Young Hwan nhận định, trong ngắn hạn, tỷ giá đã vượt qua mốc 24.000 đồng/USD. Chênh lệch lãi suất giữa USD - VND ngày càng lớn, sự phục hồi của nhập khẩu sau khi sụt giảm đáng kể là những yếu tố đang gây áp lực tăng cho tỷ giá trên thị trường.
Hiện giá USD ngân hàng đang ở mức cao nhất 8 tháng và tăng hơn 2% so với hồi đầu năm.
Nỗi lo khi tỷ giá tăng
Trong bối cảnh Mỹ và Châu Âu chưa từ bỏ chính sách thắt chặt tiền tệ và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam...
Giá USD tăng mạnh trong những ngày qua khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu sản xuất lo lắng. “Tôi mong rằng đồng USD tăng giá chỉ là nhất thời rồi ổn định trở lại, bởi cứ mỗi khi tỷ giá tăng 1.000 đồng/USD thì với 100 tấn bột mì nguyên liệu nhập khẩu, chúng tôi phải tốn thêm 100 triệu đồng chênh lệch tỷ giá, đó là chưa kể tiền lãi vay USD phát sinh” - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex SG Phạm Hải Long bày tỏ.
Không chỉ doanh nghiệp nhập khẩu, khi tỷ giá biến động mạnh, các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ cũng đứng ngồi không yên. Đặc biệt là những doanh nghiệp vay với lãi suất thả nổi hệ quả phải gánh đến sớm nhất.
Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN đang ở "thế khó" trong điều hành. Biến động mới nhất về tỷ giá có thể khiến quá trình giảm lãi suất cho vay bị chậm lại. Bởi nếu tỷ giá VND/USD tăng sẽ không có lợi cho nền kinh tế mới nổi và mở cửa như Việt Nam. Thứ nhất, sẽ làm tăng giá nhập khẩu do doanh nghiệp phải dùng một lượng VND nhiều hơn để trả cho hàng hóa nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD. Thứ hai, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu nên các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn bất lợi hơn là có lợi.
“Hiện giá hàng hóa trong nước đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng nhiều yếu tố. Nếu biến động tỷ giá không phải là nhất thời mà kéo dài, hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng giá hòa chung với giá hàng hóa trong nước sẽ dẫn đến khả năng đẩy lạm phát tăng lên”- TS Hiếu nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, việc tỷ giá USD/VND tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Có thể thấy, phía NHNN mong muốn giữ ổn định tỷ giá, song sức ép thị trường vẫn hiện hữu.
Vì vậy, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ hài hòa để vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn cuối năm. Các doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc mua bán USD để giảm sức ép cho thị trường, đồng thời đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tỷ giá tiếp tục biến động và việc bán USD không đạt được kỳ vọng, NHNN sẽ phải dùng công cụ lãi suất để hỗ trợ, giúp cho đồng VND hấp dẫn hơn, hỗ trợ chặn đà tăng giá của USD.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng khẳng định, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Cố gắng để tỷ giá không biến động quá lớn, tránh ảnh hưởng đến nợ công, nợ doanh nghiệp, nhập khẩu. Và rất quan trọng là không ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, môi trường đầu tư. NHNN đang tỏ rõ sẵn sàng can thiệp sớm để giữ ổn định tỷ giá, đồng thời ổn định lãi suất. Điều này có thể sẽ giúp hạn chế các kỳ vọng thái quá của thị trường và sớm đưa tỷ giá ổn định trở lại. (Giám đốc Economica Việt Nam Lê Duy Bình)