Tỷ giá USD/VND tăng mạnh: Vẫn còn thách thức trong điều hành

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ giá sau thời gian diễn biến ổn định đã tăng trở lại vào tuần cuối tháng 8 và những phiên giao dịch đầu tháng 9. Áp lực lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng giá bán USD thêm 300 đồng, lên 23.700 VND/USD.

NHNN tăng mạnh giá bán USD

Chiều 7/9, Sở giao dịch NHNN đã thay đổi biểu niêm yết về giá mua - bán ngoại tệ. Trong đó, giá bán ra đã tăng mạnh từ 23.400 đồng/USD lên 23.700 VND/USD. Đồng thời, cơ quan này cũng ngừng niêm yết tỷ giá mua can thiệp. Trước đó, hồi tháng 5, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD chiều bán thêm 200 đồng lên 23.250 VND/USD.

Giao dịch USD tại chi nhánh SHB ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giao dịch USD tại chi nhánh SHB ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tiếp đến đầu tháng 7, cơ quan đứng đầu ngành ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tỷ giá này lên 23.400 VND/USD. Như vậy, so với lần niêm yết trước đó và so với mức giá bán ra USD thời gian qua của NHNN, biểu giá mới đã tăng thêm 300 VND/USD.

Sau khi NHNN tăng giá, giá bán USD tại Eximbank tăng 60 đồng, lên 23.730 đồng/USD. Vietcombank tăng giá bán USD thêm 40 đồng, bán ra ở mức 23.720 đồng.

Trước thềm quyết định trên, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng vọt và vượt mốc 23.600 đồng trong sáng 7/9. Cùng với đó, tỷ giá trung tâm ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp với việc tăng 16 đồng so với phiên liền trước, niêm yết ở mức 23.261 VND/USD.

Động thái điều chỉnh tỷ giá bán USD của NHNN cũng không quá bất ngờ với thị trường bởi trước đó đã có một số nhà phân tích dự báo trước đó.

Báo cáo đầu tuần qua của SSI cho biết, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá 2,8%, thuộc nhóm đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trên thế giới. Việc NHNN giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay và giữ chênh lệch lãi suất VND luôn hấp dẫn so với USD đã giúp VND không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của USD. Theo thống kê của một số chuyên gia phân tích, trước áp lực tỷ giá lớn, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, NHNN đã bán ra khoảng 13 tỷ USD để can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm khoảng 12%.

“Tuy nhiên, nguồn ngoại tệ dự trữ giảm dần, trong khi đà tăng của USD quốc tế vẫn chưa ngừng. Không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD” - báo cáo SSI nhận định.

Đồng USD ngày 7/9 đã thiết lập mốc cao nhất 20 năm lên mức 110,518 điểm. Thị trường tài chính thế giới chờ đợi quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 này.

Báo cáo vừa được công bố cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ đã bất ngờ tăng điểm vào tháng trước, củng cố quan điểm rằng nền kinh tế không suy thoái và cho phép Fed còn dư địa cho một đợt tăng lãi suất cơ bản 75 điểm vào cuộc họp chính sách cuối tháng này, theo lịch trình sẽ kết thúc vào ngày 21/9.

Lộ trình tăng lãi suất của Fed gây áp lực lên tỷ giá

Dù giá USD trong nước đã được điều chỉnh tăng nhưng áp lực lên tiền đồng vẫn tương đối lớn trong bối cảnh đồng USD Mỹ ngày càng mạnh hơn.

Nhiều đồng tiền của các nước châu Á tiếp tục diễn biến giảm mạnh so với đồng USD. So với ngày đầu năm, chỉ số US Dollar Index hiện đã tăng 19,4%. Chỉ số đồng bạc xanh dường như chưa có dấu hiệu dừng lại khi liên tục công phá các mốc mới. Giới phân tích nhận định, khả năng chỉ số DXY sẽ tiếp tục vượt lên trên mốc 110, thậm chí tiến tới mốc 111 trong ngắn hạn. Về triển vọng trung hạn, chỉ số DXY có thể sẽ cán mốc 114 trong những tháng tới.

Ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích khách hàng DN của Công ty Chứng khoán Pinetree đánh giá, làn sóng tăng lãi suất trên thế giới vẫn đang tiếp tục, như Mỹ dự tính cả năm 2022 lãi suất tăng lên 3,6% và các nước khác, chỉ ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng lãi suất. Động thái này, sẽ tác động gián tiếp lên tỷ giá, có nghĩa là tác động trực tiếp vào lạm phát vì nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, nhập khẩu nhiều xăng dầu, hóa chất thậm chí cả thức ăn chăn nuôi.

“Trong khi đó, kế hoạch nâng xếp hạng tín dụng nhà nước của Việt Nam lại muốn tăng lượng dự trữ ngoại hối lên duy trì khoảng 16 tuần nhập khẩu. Vì thế phương án bán ngoại hối không nên được duy trì trong lâu dài” - ông Thành phân tích.

Các thành viên của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cùng chung dự báo giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng tháng này sẽ tiếp tục neo cao, bình quân dự báo cao hơn nhiều so với Sở Giao dịch NHNN niêm yết bán ra (23.700 đồng).

Trước đó, do áp lực tỷ giá tăng cao, trong một quãng thời gian dài gần đây, các thành viên trên thị trường liên ngân hàng phải giao dịch với nhau ở mức giá cao hơn nhiều so với giá bình ổn USD mà NHNN bán. Điển hình, tại phiên 6/9, nếu giá bán USD giao ngay của NHNN là 23.400 VND thì tỷ giá giữa giao dịch giữa các thành viên lên tới 23.545 VND, tức cao hơn 145 VND mỗi USD.

Lãi suất liên ngân hàng đã quá cao khiến nhà điều hành không thể bán lượng lớn USD tại vùng giá cũ. “Việc nâng giá bán USD là bước khởi đầu hợp lý cho con đường dài phía trước" - một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận.

Chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Trước việc tỷ giá USD/VND tăng, nhiều DN hưởng lợi từ tỷ giá tăng, song cũng có không ít DN "còng lưng" gánh lỗ tỷ giá.

Là DN vay vốn bằng đồng USD, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc CNC Tech Group thừa nhận, việc tỷ giá tăng mạnh trong thời gian qua cũng có tác động tới DN. Ngoài ra, tỷ giá trong nước tăng cao đồng nghĩa với những áp lực rất lớn từ chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất sẽ tăng lên tương ứng.

Có không ít DN "đau đầu" vì tỷ giá. Chẳng hạn, tại Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2021 trong nửa đầu năm, do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao.

Hay như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, chỉ trong quý II ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới 841 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines lỗ 1.012 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.

Tương tự, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam lỗ chênh lệch tỷ giá 82 tỷ đồng; Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng lỗ tới 330 tỷ đồng,... Công ty Tập đoàn Lộc Trời phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 42 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đại Thiên Lộc Lê Thanh Nghĩa, chia sẻ, Công ty có khoản dư nợ ngoại tệ không lớn, nhưng chịu thiệt hại khi tỷ giá USD/VND tăng. DN đã trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá nên vẫn đang trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, hiện một số ngân hàng cho các DN chuyển đổi khoản vay từ ngoại tệ sang nội tệ, giúp DN chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng DN cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi. Mặt khác, DN nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD.

Các DN có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi (SWAP), hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất, nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học, dài hạn, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của DN được thông suốt.

 

"Nhìn chung, trong rổ tiền tệ, đồng USD vẫn là biến số quan trọng nhất khiến DN và nhà làm chính sách phải lưu tâm. USD tăng giá sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, lạm phát của Việt Nam trong khi nửa cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng USD tăng cao. Dù vậy, với kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất thực còn dương, trong năm nay, đồng USD có thể tăng so với VND từ 3 - 4%." - Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia