Giá USD tăng trở lại mốc 25.000 đồng/USD
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD ở các ngân hàng đã tăng tới khoảng 280 đồng, tương đương mức tăng khoảng 1% so với trước đó. Đây là mức tăng khá mạnh sau đợt giảm liên tiếp 2 tháng trước.
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tiếp 20 đồng, ở mức 24.153 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN không đổi ở chiều mua vào và tăng 21 đồng chiều bán ra, hiện ở mức 23.400 - 25.310 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh từ 90-110 đồng/USD so với giá công bố đầu giờ sáng 7/10, mua vào - bán ra ở mức 24.690 – 25.050 đồng/USD. Đồng USD đã lập chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp và vọt lên mức cao nhất trong 7 tuần.
Trên thị trường tự do, tại các điểm thu mua ngoại tệ giá USD “chợ đen”, tăng mạnh 91 đồng/USD mua vào bán quanh mức 25.184 – 25.283 đồng/USD. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày cuối tháng 9, giá USD trên thị trường phi chính thức đã tăng vọt 330 đồng, gần như lấy lại những gì đã mất trong nửa đầu tháng 9/2024.
Sáng cùng ngày, đồng USD trên thị trường thế giới quay đầu giảm nhẹ trong giỏ thanh toán quốc tế. Trước đó, đồng bạc xanh đã có chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, vượt 102,2 điểm, tăng mạnh so với mốc sát vùng 100 điểm hồi giữa tháng 9. Thị trường dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thu hẹp biên độ giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 11 tới sau khi nền kinh tế Mỹ vừa đón nhận dữ liệu việc làm tích cực.
Sau động thái giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm về ngưỡng 4,75-5% của Fed vào ngày 18/9/2024, thị trường đã kỳ vọng Fed có thêm một đợt giảm 0,5 điểm phần trăm nữa vào tháng 11/2024 và một đợt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 12/2024. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu ngày 30/9/2024, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã dập tắt kỳ vọng về bước giảm 0,5 điểm phần trăm, ông cho biết Fed không vội vã trong việc nới lỏng.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục là thử thách đối với việc điều hành tỷ giá của NHNN trong nửa cuối năm 2024.
Các chuyên gia của VDSC cũng chỉ ra một số tác nhân trong nước gây áp lực về cung – cầu ngoại tệ. Các tác nhân có thể kể đến gồm: nhu cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV do nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; quy mô của khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể vốn hay đi cùng với áp lực tỷ giá cũng thường tăng mạnh vào quý III.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn chia sẻ, diễn biến giá USD tăng trên thị trường tự do và NH thương mại mấy ngày qua là chưa đáng lo. Nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào.
Mọi nhu cầu về ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đều được đáp ứng. Hiện nay, tỷ giá tăng có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, còn với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, cần lưu ý để cân nhắc, chủ động nguồn ngoại tệ.
"Nhu cầu giữ USD của người dân đã giảm nhiều và doanh nghiệp cũng chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ, giúp giảm sức ép lên tỷ giá. Mặt khác, ngân hàng thương mại vẫn mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tránh những biến động bất thường, NHNN cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá để có điều hành kịp thời" - vị lãnh đạo bày tỏ.
Tỷ giá cuối năm còn “gập ghềnh”
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, diễn biến tỷ giá từ nay tới cuối năm vẫn là một con đường “gập ghềnh”. Nhà điều hành sẽ đối mặt với 2 vấn đề, một là phải tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì lãi suất thấp, hai là phải ngăn chặn dòng vốn hút ra do lãi suất Việt Nam quá thấp so với toàn cầu. Từ đó dự báo nửa cuối 2024, tỷ giá vẫn sẽ căng thẳng, bước sang nửa đầu năm 2025, những sức ép về lạm phát, tăng trưởng kinh tế sẽ dịu bớt và tỷ giá không còn nhiều áp lực nữa.
Một yếu tố tác động khó lường hơn có thể đến từ xu hướng giá vàng tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Giá vàng quốc tế đã có lúc leo lên mức cao nhất mọi thời đại tại 2.686 USD/ounce, tiếp tục tăng gần 7,5% so với cuối tháng 8, kéo theo giá vàng miếng SJC trong nước dù đã có bước điều chỉnh từ giữa tháng 9, nhưng cũng chỉ mới lên mức 82 triệu đồng mua vào, 84 triệu đồng/lượng ở giá bán ra.
Trong khi đó, khi không thể mua được tại các ngân hàng và tổ chức được giao nhiệm vụ bán vàng bình ổn, nhiều người có thể đã tìm đến các thị trường phi chính thức. Nhất là khi đang có những dự báo cho rằng giá vàng thế giới có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce trong thời gian tới. Giá vàng nhẫn cũng được liên tục đẩy leo cao.
“Không loại trừ có thể đang có hiện tượng gom USD để nhập lậu vàng nhằm đáp ứng nhu cầu, bất chấp những động thái thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý thời gian qua”- một chuyên gia bình luận.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) dự báo, tỷ giá vẫn còn đợt sóng cuối năm nay, rơi vào khoảng tháng 11 và 12. Tại các thời điểm này áp lực tỷ giá sẽ lớn, vì đó là những thời điểm mùa vụ, nhu cầu nhập khẩu để sản xuất kinh doanh và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để bán trong nước cũng tăng do kinh tế hồi phục, tiêu dùng tăng trở lại.
Nguồn cung ngoại tệ năm nay khá tốt và NHNN đang điều hành chính sách chủ động, linh hoạt, hợp lý tránh đầu cơ tỷ giá. Đặc biệt, thời gian qua Việt Nam đang thu hút dòng vốn FDI khá tốt, thặng dư thương mại cao và kiều hối mạnh mẽ sẽ góp phần giúp tỷ giá ổn định hơn.
Dù vậy các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới. Các DN có hoạt động kinh doanh mà chịu tác động bởi tỷ giá, cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá phù hợp từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động.