70 năm giải phóng Thủ đô

Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức xuống thấp nhất trong 18 tháng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ thất nghiệp của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã tiếp tục giảm trong tháng 2/2014 xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm rưỡi qua, do thị trường lao động được hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Theo dữ liệu từ Văn phòng Lao động Liên bang, tháng 2/2014, số người không có việc làm tại Đức đã giảm 14.000 người xuống còn 2,914 triệu người. Điều đó có nghĩa là có ít người thất nghiệp ở Đức hơn bao giờ hết kể từ tháng 9/2012.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ông Weise, Giám đốc văn phòng Frank - Juergen cho biết, sự phát triển của thị trường lao động tháng Hai khá thuận lợi và tình hình thất nghiệp đang dần dần được cải thiện.

Cơ quan thống kê liên bang Destatis vừa công bố lạm phát trong tháng 2/2014 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 1,3% so với tháng Giêng. Còn tính theo Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) - thước đo lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu - thì trong tháng 2/2014 lạm phát ở Đức chỉ đứng ở mức 1%, giảm so với mức 1,2% trong tháng Giêng.

Nhà kinh tế Carsten Brzeski thuộc ING DiBa cho hay các doanh nghiệp Đức vẫn đặt niềm tin vào kinh tế nước này. Mặc dù còn một số rủi ro, như nguy cơ kinh tế bất ngờ tăng trưởng chậm lại, biến động tại các thị trường mới nổi thêm trầm trọng hay nguy cơ kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng, song các mối quan ngại này sẽ nhanh chóng qua đi.

Trong khi đó, nhà kinh tế Christian Schulz thuộc ngân hàng Berenberg Bank nhận định rằng mặc dù không hoàn toàn miễn nhiễm trước các biến động trên các thị trường mới nổi, song kinh tế Đức có thể dựa vào nhu cầu trong nước làm động lực tăng trưởng chủ chốt trong giai đoạn hiện nay.

Cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's cũng vừa nâng mức xếp hạng tín nhiệm trái phiếu của Đức từ "tiêu cực" lên mức "ổn định."

Theo Moody's, những tín hiệu tích cực của từng nền kinh tế trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), cùng với thành công của Liên minh châu Âu trong việc xây dựng những rào cản nhằm ngăn chặn sự "lây nhiễm của căn bệnh" khủng hoảng trong khu vực, giúp giảm nguy cơ Đức tiếp tục phải dẫn đầu các nỗ lực cứu trợ khủng hoảng cho các nước thành viên khác trong Eurozone.

Ngoài ra, việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu này thu hẹp được tỷ lệ thâm hụt ngân sách cũng là yếu tố góp phần nâng mức đánh giá trái phiếu của nước này lên mức cao là AAA.

Moody's cũng cho biết Đức luôn có những chính sách kinh tế vĩ mô định hướng ổn định, có nền kinh tế phát triển và đa dạng.