Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng được cải thiện đáng kể

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam.

Theo báo cáo mới đây của Viện Dinh Dưỡng, hiện nay tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi tại Việt Nam đã giảm, chiếm tỷ lệ 26,7%. Tính trung bình, cứ bốn trẻ em thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ này trước đây là 1/3.

Giáo sư Lê Thị Hợp – Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng cho biết như vậy tại buổi họp báo triển khai "Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2013", tổ chức sáng 24/5 tại Hà Nội.

Bà Hợp cho hay, theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, có 1/3 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tình trạng trên được cải thiện là do trong vài năm qua, chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ được triển khai trên diện rộng, ở tất cả các xã, phường trên cả nước. Có tới 90% trẻ em từ 6-36 tháng tuổi trên toàn quốc được bổ sung Vitamin A liều cao 2 lần trong một năm và hoàn toàn thanh toán mù lòa do thiếu Vitamin A.

Tuy nhiên, bà Hợp cũng nhấn mạnh, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những thành công lớn như vậy, nhưng hiện nay, vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn là một thách thức lớn với Việt Nam.

Phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho hay, về vấn đề thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, đáng chú ý là tình trạng thiếu vitamin A, sắt, iốt.
 
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng được cải thiện đáng kể - Ảnh 1
 
 
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại Việt Nam đã giảm đáng kể. (Ảnh: Qúy Trung/TTXVN)

Ông Tuyên dẫn chứng, hiện nay có 14,2% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu Vitamin A trong huyết thanh. Trong đó, những khu vực có tỷ lệ trẻ em thiếu Vitamin A cao là Bắc miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, có gần 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị  thiếu máu.

Ông Tuyên phân tích, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi. Nguyên nhân trực tiếp do khẩu phần ăn, thực phẩm nghèo chất dinh dưỡng. Nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình can thiệp bằng việc cho trẻ uống bổ sung Vitamin A đầy đủ sẽ làm giảm 23% tỷ lệ tử vong và 70% tỷ lệ mù lòa ở trẻ dưới 5 tuổi.

Vì vậy, chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Mục tiêu của chiến lược là nhằm giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng Vitamin A huyết thanh thấp xuống dưới 10% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020.

Ngày vi chất dinh dưỡng đợt 1 năm nay với chủ đề "Vi chất dinh dưỡng thiết yếu với sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ con người" được tổ chức vào ngày 1-2/6 tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.

Những hoạt động được triển khai trong đợt này gồm: Bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi tại 63 tỉnh thành, trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh nhiễm trùng và bà mẹ sau sinh con vòng 1 tháng; tẩy giun cho trẻ 24 đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ thấp còi trên 30%; cân đo toàn bộ cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc; truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng tại 63 tỉnh, thành phố.

Cũng trong thời gian này, các chuyên gia về dinh dưỡng sẽ phổ biến kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, cách sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn gia đình, những phương pháp chăm sóc dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ đặc biệt như phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi./.
 
Những lời khuyên để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

- Sử dụng phối hợp 15-20 loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý bằng các thực phẩm có sẵn tại địa phương.

- Không bắt trẻ ăn kiêng khi trẻ bị bệnh.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn cho trẻ.

- Cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A một năm 2 lần. Bà mẹ ngay sau khi sinh con cũng cần được uống vitamin A.

-  Tẩy giun 2 lần/năm cho trẻ em từ 24-60 tháng tuổi, thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống để phòng chống nhiễm giun.

- Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ và uống thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

- Sử dụng muối, bột canh Iốt trong chế biến thức ăn.