Theo định nghĩa, tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm. Tỷ số này bình thường dao động từ 104 đến 106 bé trai trên 100 bé gái khi sinh (Mức sinh học bình thường). Một điểm lưu ý là giá trị của tỷ số này rất ổn định qua thời gian và không gian, giữa các châu lục, quốc gia, chủng tộc. Bất kỳ một sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số này chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ định đến sự cân bằng tự nhiên của dân số.Các số liệu thống kê dân số cho thấy một xu hướng biến động dân số không mong muốn, bắt đầu diễn ra từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Đó là tình trạng gia tăng liên tục của SRB ở một số quốc gia Châu Á, nơi có qui mô và mật độ dân số cao hơn hầu hết các nước trên thế giới. Cùng với quá trình giảm sinh, xu hướng này có nguy cơ ngày càng lan rộng ở Châu Á, đe dọa đến sự ổn định dân số toàn cầu.Các số liệu thống kê về số trẻ em sinh ra thu được từ các cuộc Tổng điều tra dân số cũng như các cuộc điều tra biến động dân số (sinh, tử và di chuyển) ở Việt Nam đã cho thấy, sự mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta xuất hiện muộn hơn so với một số nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… nhưng lại tăng nhanh trong những năm gần đây. Tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng mạnh từ năm 2006, tới 109 bé trai trên 100 bé gái (xem đồ thị) và những năm sau, con số này luôn ở mức từ 110,5 trở lên và cao nhất là trong năm 2018, tới 114,8 bé trai trên 100 bé gái. Mặc dù con số này đã giảm đi chút ít trong năm 2019 (111,5 bé trai trên 100 bé gái) nhưng nó lại nhanh chóng tăng lại mức thường thấy trong vòng một chục năm gần đây (112,2 bé trai trên 100 bé gái). Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 (111,5) chỉ thấp hơn Trung quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của cả khu vực thành thị và nông thôn đều cao và chênh lệch không nhiều. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị nhưng chênh lệch này chỉ có đúng một điểm phần trăm (111,8 ở khu vực nông thôn so với 110,8 ở khu vực thành thị) (xem Hình 2).
Trong số 6 vùng địa lý - kinh tế thì vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (115,5 bé trai trên 100 bé gái) còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại có tỷ số giới tính khi sinh thấp nhất (chỉ có 106,9 bé trai trên 100 bé gái). Chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng địa lý – kinh tế là khá cao (xem Hình 3). Nói chung, tỷ số giới tinh khi sinh của các tỉnh Bắc bộ cao hơn nhiều so với các tỉnh Nam bộ.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích và đưa ra những nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Mất cân bằng giới tính khi sinh có liên quan đến rất nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, đặc biệt là các yếu tố tập tục, văn hóa truyền thống vốn ăn sâu trong tiềm thức cộng đồng. Tư tưởng Nho giáo, trọng nam khinh nữ, cần có con trai để nối dõi tông đường và nhờ cậy khi về già vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Sự ưa thích con trai trong bối cảnh giảm sinh (gia đình ít con) và sự tiếp cận dễ dàng dịch vụ chuẩn đoán giới tính thai nhi và nạo phá thai dẫn đến hiện tượng nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với dân tộc cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.Theo các nhà khoa học xã hội, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao sẽ tác động tới quá trình hình thành cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi bị dư thừa so với nữ giới do tỷ lệ nữ giới đang giảm dẩn trong cùng một thế hệ và kết quả là họ sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Cuối cùng, trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ nam giới sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Theo tính toán của các nhà nhân khẩu học, năm 2019, có khoảng 45.900 em gái bị thiếu hụt trong số sinh trong năm, chiếm tới 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra. Nếu tỷ số giới tình khi sinh vẫn tiếp tục cao như hiện nay thì chỉ khoảng hai, ba chục năm tới, sẽ có hàng triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ không thể tìm được bạn đời. Tổng cục Thống kê nhận định, cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với qui mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài.Nguyên nhân sâu xa của sự mất cân bằng giới tính khi sinh là sự bất bình đẳng giới, bởi vậy, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Cần triển khai mạnh mẽ, rộng khắp các biện pháp giáo dục, truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như hậu quả và hệ lụy xã hội của nó để người dân hướng đến hành vi sinh sản không lựa chọn giới tính.Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh cần sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của cả xã hội cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ, liên tục và sự quản lý của chính quyền các cấp trong giải quyết vấn đề này.Có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc đưa tỷ số giới tính khi sinh từ mức rất cao về mức bình thường. Vào những năm 1980-1990, khi công nghệ siêu âm, chọc ối phát triển cùng qui mô gia đình ít con, mức sinh thấp như ở Việt Nam gần đây đã làm cho SRB của Hàn Quốc tăng nhanh, đỉnh điểm là năm 1990, SBR đạt tới 116 bé trai trên 100 bé gái, có vùng con số này lên tới 140. Hàn Quốc đã ban hành Luật Y tế năm 1987, cấm xác định giới tính thai nhi, và khi sửa đổi luật này vào tháng 10/1994 đã có những biện pháp mạnh mẽ trong việc xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi như tịch thu giấy phép hành nghề và phạt tiền hoặc bị tù tới 3 năm.Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại Hội nghị lần thư VI khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, “Đến năm 2030: tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 – 11-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030.