Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 113,2 bé trai/100 bé gái

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn Hà Nội là 113,2 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 82,48%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 75,46%...

 Truyền thông chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên.
Ngày 8/7, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai mít tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề “Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”. Tới dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế Nguyễn Thị Ngọc Lan.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, cuộc sống của người dân trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Năm nay, Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch.
Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989 - 1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999 - 2009 và khoảng 1% giai đoạn 2010 cho đến nay. Số con trung bình mà mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999 và đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay.
Tại Hà Nội, năm 2019, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được các chỉ tiêu của TP đề ra, trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến 2020, cụ thể tỷ suất sinh đạt 15,0 ‰ giảm 0,13 ‰ so với năm 2018. Số sinh con thứ 3 trở lên đạt tỷ lệ 6,5% giảm 0,1% so với năm 2018. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn TP là 113,2 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh  đạt 82,48%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 75,46%; số người mới áp dụng biện pháp tránh thai 373.391 (đạt 100%). Các quận, huyện trên địa bàn TP vẫn thường xuyên tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuyên truyền, tư vấn về các biện pháp tránh thai cho chị em phụ nữ. Duy trì và phát triển mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên…
 Diễu hành hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7/2020
Hiện nay, Hà Nội đang duy trì nhiều mô hình và được nhân rộng trên địa bàn TP như mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức truyền thông kiến thức SKSS/KHHGĐ cho các đối tượng là phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên, thanh niên. Truyền thông chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên. Truyền thông chính sách DS-KHHGĐ, kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số. Tiếp tục quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, coi công tác dân số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu thực hiện về công tác dân số, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số từ TP đến cơ sở. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số phù hợp với từng nhóm đối tượng. Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ đáp ứng nhu cầu của người dân.