Bác sĩ Phùng Thị Nhung trong một buổi tiêm vaccine tại điểm tiêm Bệnh viện mắt Hà Nội 2. |
Bước chân vào ngành y từ năm 1973 và ở tuổi 72, không còn đủ sức khỏe để đăng ký vào tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Phùng Thị Nhung (bác sĩ gây mê, hồi sức tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) đã tình nguyện cùng đồng nghiệp giúp đỡ cộng đồng tại điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn quận Đống Đa. Từ tháng 6/2021 đến nay, ngoài phụ trách điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bác sĩ Nhung còn hỗ trợ công tác tiêm chủng tại phường Láng Thượng, Láng Hạ, Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).
Làm việc quên mình và cùng thực hiện “4 tại chỗ” với đồng nghiệp để khám sàng lọc, tiêm cho hàng chục nghìn người dân trên địa bàn. Mỗi người một ý hoặc nhiều khi gặp người khó tính nhưng bác sĩ Nhung luôn tâm niệm “Lương y như từ mẫu” và luôn phục vụ tận tình, ân cần, chu đáo. Đó cũng là điều mà bác sĩ Nhung luôn nói với các thế hệ bác sĩ trẻ về chữ “nhẫn” trong nghề y. Không chỉ có thế, khi được sự động viên của Ban Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nhung cùng nhiều nhân viên còn sẵn sàng kiêm nhiệm các nhiệm vụ hậu cần, chuẩn bị cơm để các bác sĩ nơi đây yên tâm thực hiện công tác. Chính sự tận tâm trong công việc và luôn chu đáo với đồng nghiệp mà cái tên “U Nhung” đã trở nên thân thuộc mỗi khi các y, bác sĩ tại đây nhắc đến bà.Là bác sĩ, không thể “đứng ngoài cuộc chiến”Chia sẻ thêm về quãng thời gian tham gia cùng các đồng nghiệp chống dịch tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bác sĩ Nhung cho biết, công việc của nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng thời gian tháng 6 - 7 khá vất vả; có những điểm tiêm nóng bức, y bác sĩ đổ mồ hôi như tắm. Những đêm, gọi điện cho đồng nghiệp, được biết họ vẫn đội mưa giữa đêm để đi tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, bác sĩ Nhung càng thấy mình không thể đứng ngoài cuộc. Đặc biệt, người con gái thứ 2 của bác sĩ Nhung cũng là một bác sĩ nên thỉnh thoảng chị cũng đến tham gia hỗ trợ tiêm chủng cùng mẹ và đồng nghiệp. “Các con rất lo cho sức khỏe của mẹ, thỉnh thoảng lại mang đồ ăn đến điểm tiêm bồi dưỡng khi nhiều ngày mẹ chưa về nhà. Tôi luôn tâm niệm đã là một bác sĩ thì khi dịch bệnh căng thẳng, tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến này” - bác sĩ Nhung chia sẻ.Điểm tiêm ở Bệnh viện mắt Hà Nội 2 từng đón nhiều người cao tuổi, bệnh nền nặng, họ được nhân viên y tế tư vấn kỹ, ưu tiên cho được nghỉ ngơi, tạo tâm lý thoải mái và luôn thấy vui mừng, an tâm khi được tiêm vaccine. “Tôi vẫn còn nhớ có trường hợp một cụ ông 88 tuổi ở Hà Nội do huyết áp cao nên sau 3 tiếng đồng hồ can thiệp ông mới có thể đủ điều kiện để tiêm” – bác sĩ Nhung nhớ lại. Và khi một người được tiêm vaccine nghĩa là các bác sĩ đã góp phần đã đưa ra cộng đồng một người được bảo vệ.Tiếp xúc với hàng nghìn người với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao nhưng với sự nhiệt tâm trong công việc cùng ý thức thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch, bác sĩ Nhung cùng các đồng nghiệp tại đây đã đóng góp công sức của mình trong cuộc chiến đại dịch Covid-19. Điều này góp phần tôn vinh nét đẹp của các bác sĩ - những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận phòng chống bệnh tật đã không quản ngại khó khăn, vất vả để bảo vệ sức khoẻ cho người dân.