70 năm giải phóng Thủ đô

Uber đã nộp bao nhiêu tiền thuế tại Việt Nam?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện của Tổng Cục thuế khẳng định đã quản lý và có kết quả đối với những hoạt động kinh tế xuyên biên giới, tiêu biểu là với trường hợp của Uber.

Lời khẳng định trên đã được ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính đưa ra Tại Chương trình Bàn tròn trực tuyến "Việt Nam thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?” của báo Vietnamnet tổ chức mới đây.

Ông Tiến cho biết, Uber đang là một hiện tượng mới, hiện Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng chưa có phân ngành hoạt động này trong các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Còn Bộ Giao thông Vận tải lại phân vân, đây có phải là hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải, hiện giờ vẫn còn là tranh cãi, chưa kết thúc.
 
Nhưng từ vai trò quản lý nhà nước về thuế, Tổng Cục thuế đã phải bước lên phía trước. Bởi, doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam, Tổng Cục thuế đã nhìn nhận được cơ sở thu nhập phát sinh, người Việt Nam tiêu dùng là phải nộp thuế.

"Cho đến nay, theo dữ liệu của Tổng Cục thuế, doanh nghiệp Uber cũng đã chấp hành, nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu của họ có khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại là họ kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng", ông Tiến chia sẻ.

"Như vậy để nói rằng, mặc dù khó nhưng ngành thuế đã quyết tâm là có thể quản lý được", đại diện Tổng Cục thuế nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tiến, đối với những hoạt động kinh tế xuyên biên giới khác, phía Tổng Cục thuế cũng đã đưa vào quản lý và đã có kết quả. Ví dụ như các dịch vụ tìm từ khóa, các tích hợp của nhà cung cấp Google tại Việt Nam, sau khi Tổng Cục thuế thanh tra chỉ ở cấp quận, họ cũng chấp nhận nộp bổ sung thêm hơn 5 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu thay cho Google.

"Đến thời điểm này, tôi đã thấy có những doanh nghiệp rất tự giác kê khai nộp thuế nhà thầu cho việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook. Đó là một bước khởi sắc trong việc quản lý lĩnh vực này", ông Tiến chia sẻ

Cũng có trường hợp về dịch vụ mua bán vật phẩm bằng tiền ảo khi chơi game, qua thanh tra kiểm tra và qua thông tin từ cộng đồng, Tổng Cục thuế đã phát hiện rằng có một cá nhân chơi trên mạng, mua bán trong thời gian rất ngắn, chỉ vài tháng trời thôi mà thu được vài chục tỷ đồng. Cá nhân này ở TP Hồ Chí Minh.

"Khi đó, Tổng Cục thuế cũng đặt ra bài toán, thu thuế họ như thế nào? Chúng tôi cũng vấp phải vấn đề pháp lý. Đây không phải mua bán hàng hóa đơn thuần, đây là tài sản ảo chưa có quy định trong Bộ luật Dân sự. Cuối cùng, sau khi chúng tôi động viên, trong khi cơ sở pháp lý còn chưa chắc chắn, thì họ đã tự giác kê khai nộp thuế", ông Tiến kể thêm.

Đối với tiền ảo, còn gọi là Bitcoin, có trường hợp một thanh niên ở một tỉnh rất nhỏ đã mua bán trên thị trường quốc tế, mua bán trong 2 năm đạt được doanh số hơn 600 tỷ, tất nhiên là có cả mua cả bán, có mua đi bán lại. Khi đó, cũng có quan điểm cứ muốn hình sự hóa hành vi của họ, hoặc thu thuế họ. Khi cơ quan thuế vào, trao đổi với Bộ Công an, nhất trí đây là hành vi kinh doanh mới. Cuối cùng, cá nhân người thanh niên đó cũng chủ động kê khai thu nhập cá nhân.

"Kể ra những trường hợp như vậy để nói rằng, ngành thuế nói chung đã quản lý được các hoạt động này, đã phát sinh được số thu thuế rồi chứ không phải "bó tay"", ông Nguyễn Quang Tiến chốt lại.