Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, xử phạt vi phạm
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý đầu tiên trong bức tranh toàn cảnh giao thông 4 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua chính là công tác chuẩn bị cũng như đảm bảo trật tự, ATGT của các lực lượng chức năng trên cả nước.
Đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhấn mạnh đến điều này khi khẳng định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã được thực hiện một cách đồng loạt; các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng.
Điều dễ nhận thấy nhất, các cơ quan thông tấn báo chí đã tăng cường tuyên truyền ATGT, liên tục cập nhật tình hình TNGT, ùn tắc giao thông tại của ngõ các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như các điểm du lịch, tuyến cao tốc, quốc lộ (QL) huyết mạch.
Những vi phạm nhồi nhét khách đi xe ô tô, vi phạm TTATGT, công tác tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT của lực lượng chức năng cũng được đưa tin, tuyên truyền đậm nét. Các đài phát thanh, truyền hình đã lồng ghép tuyên truyền trong các bản tin hàng ngày, phát sóng nhiều chương trình phóng sự, đảm bảo thông tin hấp dẫn, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Điểm nhấn thứ hai, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong 4 ngày nghỉ lễ được thực hiện triệt để và hiệu quả.
Thống kê trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua cho thấy, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 24.061 trường hợp vi phạm (trong đó có 3.371 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 22 trường hợp lái xe dương tính với ma túy).
Lực lượng chức năng đã phạt tiền 26 tỷ 350 triệu đồng; tạm giữ 407 ô tô, 6.257 mô tô; 73 phương tiện khác; tước 2.684 giấy phép lái xe. So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2021 xử lý vi phạm giảm 8.605 trường hợp (giảm 26,3%); tiền phạt giảm 5 tỷ 644 triệu đồng (giảm 17,64%); xử lý nồng độ cồn giảm 105 trường hợp (giảm 3,02%); xử lý lái xe vi phạm về ma túy tăng 7 trường hợp (tăng 46,66%). Trong đó, đường bộ xử lý 23.642 trường hợp, phạt tiền 25 tỷ 926 triệu đồng; tạm giữ 407 ôtô, 6.257 môtô và 60 phương tiện khác.
Cụ thể, các Đội TTKSGT đường bộ cao tốc của Cục CSGT lập biên bản 186 trường hợp vi phạm, phạt tiền 689 triệu đồng, tước 80 GPLX 80, tạm giữ 9 phương tiện.
Các lỗi vi phạm tập trung xử lý trên đường bộ gồm: Nồng độ cồn 3.371 trường hợp; ma túy 22 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 602 trường hợp; quá khổ giới hạn 130 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 68 trường hợp; chở quá số người quy định 460 trường hợp; vi phạm tốc độ 2.694 trường hợp; phần đường, làn đường 518 trường hợp; tránh, vượt 267 trường hợp; dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định 263 trường hợp; không có GPLX 2.491 trường hợp; không chấp hành tín hiệu giao thông, hiệu lệnh dừng xe 693 trường hợp; mũ bảo hiểm 4.976 trường hợp; vi phạm khác 7.549 trường hợp.
Ngoài ra, đường thủy nội địa xử lý 402 trường hợp, phạt tiền 394 triệu đồng, tạm giữ 3 phương tiện khác. Trong đó, thủy đoàn I và II thuộc Cục CSGT xử lý 16 trường hợp vi phạm, phạt tiền 20 triệu đồng; đường sắt xử lý 17 trường hợp, phạt tiền 30 triệu đồng.
Lượng phương tiện đông nhất từ sau dịch bệnh Covid-19
Hai trong số những tiêu chí đặc biệt quan trọng để đánh giá tình hình giao thông chính là TNGT và ùn tắc giao thông. Trong khi TNGT tiếp tục giảm sâu 2 trong tổng số 3 tiêu chí thì ùn tắc giao thông lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.
Trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, cả nước xảy ra 104 TNGT, làm chết 55 người, bị thương 84 người.
So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2021, giảm 7 vụ (tương đương 6,3%), giảm 3 người chết (tương đương 5,17%), tăng 20 người bị thương (tương đương 31,25%). Đặc biệt, toàn bộ 104 vụ TNGT trên đều xảy ra trên đường bộ.
Do lưu lượng phương tiện giao thông tăng rất cao vào dịp nghỉ lễ do người dân di chuyển về quê, đi du lịch và ngược lại; nên tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tuyến đường chính đến các địa phương có khu du lịch, các phương tiện di chuyển chậm.
Có thể nói, đây là đợt nghỉ lễ có lượng phương tiện đông nhất từ sau dịch bệnh Covid-19. Lực lượng CSGT, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông theo đúng nội dung các phương án phân luồng giao thông.
Ùn tắc giao thông bắt đầu phức tạp từ chiều 29 và sáng 30/4. Tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Điển hình có thể kể đến tuyến Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3; trên tuyến QL1 qua Đồng Nai, qua Ninh Bình, Thanh Hóa..., cao tốc theo hướng TP Hồ Chí Minh đi Long Thành - Dầu Giây, cửa ngõ đi về miền Đông, miền Tây, phà Cát lái và Rạch Miễu; QL51 hướng đi Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như tại các bến xe nhà ga tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tại một số trạm thu phí lực lượng chức năng đã phải tiến hành xả trạm để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Tình trạng ùn tắc tiếp tục diễn biến phức tạp trong ngày 2/5 khi nhiều tuyến đường cửa ngõ vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ken đặc xe cộ. Tại nút giao QL1A - Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, lượng phương tiện từ QL1A hướng vào TP Hà Nội tăng đột biến, hàng nghìn ô tô, xe máy xếp hàng dài để chờ qua nút giao này. Mãi đến sáng 3/5, các tuyến đường mới phần nào thông thoáng trước khi lại tiếp tục tăng nhiệt trong chiều và tối cùng ngày bởi dòng người đổ về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ.
Chiều 3/5, nhiều tuyến đường tại Hà Nội đã trong tình trạng chật cứng, tắc nghẽn do người dân đổ về Thủ đô. Hầu hết các tuyến phố hướng từ cửa ngõ về Thủ đô như: Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi… đều trong tình trạng tắc nghẽn.
Trong khi đó, tại phía Nam, buổi chiều cùng ngày cũng ghi nhận lưu lượng phương tiện từ Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh... theo QL60 về TP Hồ Chí Minh tăng cao, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài như những ngày đầu kỳ nghỉ lễ.
Nhiều điểm nhấn tích cực
Tổng quan sau 4 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Ủy ban ATGT đánh giá, tình hình trật tự, ATGT nhìn chung được đảm bảo, TNGT được kéo giảm về số vụ, số người chết tuy nhiên số người bị thương tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 31,25%), năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Về tình trạng ùn tắc giao thông, Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, do kỳ nghỉ lễ năm nay, nhiều người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân, khiến lượng phương tiện tham gia giao thông có thời điểm tăng đột biến, gây ra hiện tượng ùn ứ tại các cửa ngõ khi người dân dời các TP và trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng các địa phương, đặc biệt là CSGT, thanh tra giao thông vận tải tiếp tục hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, phân luồng, điều tiết, chỉ huy giao thông để kéo giảm ùn tắc giao thông.
Công tác vận tải hành khách được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định.
Để bảo đảm trật tự, ATGT phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022 và mùa du lịch hè, mùa mưa lũ sắp tới, Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện một số nhiệm vụ sau: Các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên toàn quốc.
Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm TTATGT trong mùa du lịch hè 2022; tăng cường phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời có các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi đi nghỉ, đi du lịch hè.
Triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa lũ để khắc phục kịp thời các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, phân luồng, bảo đảm TTATGT phục vụ SEA Games 31.