70 năm giải phóng Thủ đô

Ùn tắc giao thông dịp lễ, Tết: Cần nhóm giải pháp tình thế

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5 vừa qua, dù tai nạn giao thông giảm nhưng ùn tắc kéo dài vẫn diễn ra tại khu vực cửa ngõ Hà Nội.

Bài toán nan giải này đòi hỏi TP phải có một nhóm giải pháp tình thế, tạm thời hạ nhiệt trong khi chờ đợi hiệu quả từ việc phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Những mạch máu dễ tổn thương

Trong kỳ nghỉ lễ vừa kết thúc, Vành đai 3 trên cao, cửa ngõ phía Nam, QL5, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... đoạn qua Hà Nội đều xuất hiện UTGT nghiêm trọng. Có thời điểm tắc dài nhiều cây số, dòng phương tiện phải chôn chân đến vài giờ đồng hồ mới thoát khỏi ùn tắc.

Ùn tắc giao thông trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Ảnh: Công Hùng
Ùn tắc giao thông trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Ảnh: Công Hùng

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, UTGT trong dịp lễ, Tết xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan chính như: hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu trong khi lượng phương tiện tăng cao; quá nhiều phương tiện cùng lưu thông vào một thời điểm gây quá tải, tắc nghẽn giao thông.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân chủ quan gây UTGT nghiêm trọng trong dịp lễ, Tết khi mật độ giao thông tăng đột biến như: ý thức của bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện quá kém, lấn làn, vượt ẩu, gây mất trật tự, ATGT. Tình trạng xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng, taxi dừng đỗ sai quy định, lạng lách, đánh võng cũng là tác nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội chia sẻ: “Các xe trước khi xuất bến đều qua kiểm tra rất kỹ. Chỉ có bắt khách dọc đường mới có thể nhồi nhét thêm người lên xe. Mà dừng đỗ dọc đường bắt khách đương nhiên gây ảnh hưởng đến giao thông chung, là một trong những tác nhân gây UTGT trên nhiều tuyến đường phố”.

Có ý kiến cho rằng, những kỳ nghỉ lễ quá dài ngày cũng là một trong những nguyên nhân kích phát nhu cầu đi lại tăng cao, dẫn đến sự tập trung mật độ phương tiện tăng vọt trong một vài thời điểm gây UTGT. Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh nhận định: “Những kỳ nghỉ 5 - 7 ngày, ngoại trừ Tết Nguyên đán có thể là quá dài. Hà Nội và nhiều đô thị lớn là nơi tập trung đông người ngoại tỉnh làm việc, học tập. Được nghỉ dài ai cũng muốn về quê, hoặc đi du lịch, khiến nhu cầu di chuyển gia tăng mạnh mẽ, quá tải năng lực hạ tầng”.

Lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT, Cảnh sát trật tự các địa phương đã căng hết sức, trực 100% quân số để phân luồng, điều tiết giao thông, tuần tra xử phạt vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, ATGT mỗi kỳ nghỉ dài ngày. Nhưng thực tế là không chỉ hạ tầng mà cả lực lượng chức năng cũng quá tải.

Đơn cử tại Hà Nội, với hơn 8 triệu phương tiện mà chỉ có khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ bao gồm cả CSGT lẫn Thanh tra GTVT làm điều tiết, giám sát sẽ không thể quán xuyến, mang lại hiệu quả như mong đợi. Nếu căng người phân luồng thì khó tránh, lại bỏ lọt vi phạm, nếu tập trung tuần tra xử phạt lại thiếu nhân sự điều tiết giao thông.

Phân tán áp lực từ xa

Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh cho rằng, mỗi năm chỉ nên có một kỳ nghỉ dài hơn 3 ngày là dịp Tết Nguyên đán - thời điểm người dân đều muốn về sum vầy với quê hương, gia đình. Còn các kỳ nghỉ lễ khác chỉ nên có từ 3 ngày trở xuống. Như vậy sẽ hạn chế được một phần nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm tải giao thông trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ, như tuyến đường Vành đai 3 trên cao, hiện vẫn nhan nhản xe đi vào làn khẩn cấp, rồi cắt mặt dòng phương tiện lưu thông đúng luật để vượt lên gây UTGT, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Trong khi chưa có hệ thống camera phạt nguội, công tác tuần tra của CSGT chưa được liên tục, cần phải có một cách làm mới hiệu quả hơn.

“Ví dụ như thay vì tuần tra đuổi theo những xe vi phạm, CSGT chỉ cần cử 1, 2 chiến sĩ, sử dụng máy quay, cắm chốt trên tuyến ghi hình xe vi phạm, sau đó phạt nguội dựa trên hình ảnh ghi lại được. Xử phạt nhiều hơn sẽ mang lại hiệu quả chấp hành luật tốt hơn. Có thể áp dụng cả cách này với xe kinh doanh vận tải” - Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.

Mặt khác, đối với các tuyến đường như Vành đai 3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… những điểm “đen” cố hữu, thường xuyên xảy ra UTGT trong những dịp lễ, Tết cần có phương án phân luồng, chuẩn bị ứng phó sự cố đặc biệt. Đa phần tình trạng UTGT trên những tuyến này là do xảy ra tai nạn, phải mất nhiều giờ đồng hồ mới giải tỏa được hiện trường cho xe cộ lưu thông bình thường.

Lực lượng CSGT cần xem xét lại quy trình, rút ngắn hạn mức thời gian tiếp cận và giải quyết tai nạn giao thông trong những thời điểm đặc biệt này để hạn chế ùn ứ. Đồng thời,cần nỗ lực hết sức bảo đảm làn đường khẩn cấp cho các tuyến quốc lộ, cao tốc, để khi xảy ra UTGT có thể mở lối thoát cho các phương tiện.

Hà Nội và các địa phương liên quan đang nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây sẽ là tuyến đường chiến lược giảm tải mạnh mẽ cho Vành đai 3, mở thêm nhiều hướng lưu thông, cực kỳ hữu dụng cho việc phân giải áp lực giao thông của Thủ đô cũng như khu vực lân cận.

Tuy nhiên, thời điểm này, Hà Nội vẫn là điểm trung chuyển của hàng triệu phương tiện từ khắp các địa phương, chủ yếu tập trung trên tuyến Vành đai 3. Thiết nghĩ, trong những kỳ nghỉ lễ, Tết, cần có phương án phân luồng từ xa, điều tiết lượng xe quá cảnh Hà Nội một cách hợp lý để giảm thiểu áp lực ùn tắc cho Thủ đô.

 

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh hạ tầng chậm phát triển, lượng phương tiện cá nhân tăng cao, ý thức của không ít người tham gia giao thông còn kém, UTGT trong dịp nghỉ lễ, Tết sẽ khó tránh khỏi. Nếu lực lượng chức năng thay đổi cách giám sát, xử phạt sẽ có thể kiềm chế bớt vi phạm, dần dần tạo nền nếp văn minh trong giao thông.