Tuy nhiên, thực tế giao thông tại Thủ đô cho thấy, sự “lỗi hẹn” của hạ tầng dù đúng với mọi thời điểm, nhưng chưa đủ để giải mã hiện tượng này.
Kém từ hạ tầng đến ý thức
Trong đầu tư phát triển Thủ đô, có một thực tế cần dũng cảm nhìn nhận đó là Hà Nội có không ít dự án, công trình thực hiện không theo quy hoạch, sai mật độ xây dựng. Từ đó, áp lực giao thông tăng lên đột biến dẫn đến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Từ một TP chỉ rộng khoảng 152km2, với khoảng 53.000 dân sinh sống sau khi tiếp quản năm 1954, đến năm 2015, Hà Nội đã có diện tích 3.344km2, dân số 7,3 triệu người và là một trong 17 Thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Trong những năm qua, mặc dù TP đã có những sự đầu tư mạnh mẽ để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng kết quả đem lại vẫn chưa được như kỳ vọng. Dù vậy, giới chuyên môn cho rằng nếu xem hạ tầng giao thông yếu kém là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng UTGT là chưa hoàn toàn chính xác.
Thực tế đã chứng minh, tại một số nút giao, tuyến đường, tình trạng UTGT có thể không trở nên nghiêm trọng như hiện nay nếu mỗi người điều khiển phương tiện có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của luật giao thông. Đơn cử như nút Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, vào giờ cao điểm, đặc biệt với những ngày thời tiết xấu, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng UTGT nghiêm trọng. Cộng với người điều khiển phương tiện giao thông "không ai nhường ai", sẵn sàng vượt ẩu, leo lên vỉa hè… càng khiến nút giao trở nên hỗn loạn, mất ATGT. Hay như tuyến Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng, mặc dù đã có phân làn đường dành cho các loại xe khác nhau. Tuy nhiên, việc phớt lờ biển báo, cố tình đi lấn làn, sai làn của người tham gia giao thông đã gián tiếp gây khó khăn cho các phương tiện khác.
Đa dạng hóa các giải pháp giảm thiểu ùn tắc
Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP cũng như các sở, ban, ngành, tình trạng UTGT trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giảm thiểu ùn tắc, TNGT theo yêu cầu của Chính phủ, về lâu dài, các lực lượng chức năng TP sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Thế nhưng, dù có triển khai biện pháp gì thì yếu tố quan trọng nhất đó chính là sự đồng bộ từ đầu tư phát triển, đến xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở cũng như quản lý trật tự đô thị. Đó là vấn đề dài hơi, song trước mắt, để giảm thiểu ùn tắc, TNGT ở Thủ đô, các cơ quan chức năng cần cải tạo, nâng cấp các nút giao thông đã bị suy giảm khả năng lưu thông, hoàn thiện và áp dụng có hiệu quả các biện pháp tổ chức và điều khiển giao thông. Cần hạn chế một số loại phương tiện hoặc một số hướng lưu thông nhất định trong giờ cao điểm trên các trục đường hoặc tại những nút giao đang phải chịu quá tải về lưu lượng hoặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra UTGT vào giờ cao điểm…
Bên cạnh đó, cần tổ chức giao thông ưu tiện cho xe buýt về làn đường riêng cho xe buýt, song song nâng cao chất lượng xe buýt; bố trí hợp lý các điểm dừng xe buýt để góp phần nâng cao chất lượng sử dụng vận tải hành khách công cộng thay thế dần cho phương tiện cá nhân, giảm được lượng phương tiện lưu thông trên đường phố và làm giảm nguy cơ UTGT, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần sớm nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, sớm triển khai xây dựng hoàn thiện các đường vành đai, tiến hành nâng cấp, mở rộng một số đường trục chính, triển khai quy hoạch và xây dựng thêm các bãi giao thông tĩnh trong TP. Đồng thời lập lại trật tự vỉa hè phố, lòng đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Đặc biệt, cần có giải pháp về quy hoạch và quản lý giao thông, di dời các trường đại học và một số cơ quan ra ngoại phạm vi trung tâm TP, giải pháp bố trí linh hoạt giờ làm việc hay giờ đi học… để giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện năng lực giao thông, giảm thiểu UTGT.