Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ùn tắc giao thông trên trục Tố Hữu - Lê Văn Lương: Người dân mỏi mòn chờ giải pháp

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương bao gồm làn dành riêng cho xe buýt nhanh BRT nên chịu áp lực giao thông rất lớn. Nhiều năm qua, người dân vẫn mong mỏi các cấp chức năng có biện pháp toàn diện hơn nữa để hạn chế ùn tắc giao thông (UTGT) trên trục đường này.

Áp lực trùng trùng

Năm 2017, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa chính thức được đưa vào vận hành, biến trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Giảng Võ thành một trong những tuyến đặc thù, phải đáp ứng cả làn dành riêng lẫn phần đường lưu thông hỗn hợp cho xe buýt nhanh, ô tô, xe máy cá nhân và các loại hình khác.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc dành một làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT không dễ thực hiện. Dù đã kiên trì vận động, tuyên truyền; áp dụng đủ các hình thức phạt nóng, phạt nguội vẫn không thể ngăn được xe cá nhân đi lấn làn, chèn ép xe buýt BRT, khiến loại hình vận tải công cộng nhanh, khối lượng lớn này ngày càng khó phát huy hiệu quả.

Ùn tắc giao thông trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Đỗ Quân
Ùn tắc giao thông trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Đỗ Quân

Hiện trạng giao thông trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương nhiều năm qua khá lộn xộn, người điều khiển phương tiện đủ chủng loại mạnh ai nấy đi, giờ cao điểm sáng chiều, thậm chí là ngày thứ Bảy, Chủ nhật cũng thường xuyên xảy ra UTGT, khiến người dân ngày càng mệt mỏi.

Một số vị trí đang gây ra tình trạng UTGT cho toàn tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương, ví dụ như: đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng; nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương; nút Trung Văn - Tố Hữu; Vạn Phúc - Tố Hữu…

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, UTGT trên trục đường này có nhiều nguyên nhân, nhưng đáng chú ý hơn cả do lượng xe cá nhân quá lớn, gây quá tải cho hạ tầng; ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông quá kém, chen lấn, chèn ép gây khó khăn lẫn nhau.

“Càng ùn tắc người dân càng phản ứng dữ dội với chính sách ưu tiên làn đường đường riêng cho xe buýt BRT. Phần đông cho rằng xe buýt không đáp ứng được nhu cầu đi lại của họ nên buộc họ phải dùng xe cá nhân, trong khi không gian lưu thông lại bị hạn chế vì nhường đường cho xe buýt BRT” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xu thế tất yếu của xã hội hiện đại là sử dụng vận tải công cộng thay thế xe cá nhân, tham gia giao thông văn minh, tuân thủ luật nhưng mục tiêu đó vẫn chưa thể hoàn thành trong bối cảnh khó khăn của Hà Nội hiện nay.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ làn đường dành riêng cho xe buýt BRT. Nhưng vấn đề này cần được xem xét kỹ. Chưa chắc khi bỏ làn đường riêng của xe buýt BRT đã cho hiệu quả tốt hơn, giảm được UTGT. Ví dụ như tuyến Nguyễn Trãi, Láng… không có làn đường riêng xe buýt BRT vẫn có nguy cơ UTGT”.

 

Một trong những vấn đề nhức nhối nhất không chỉ đối với trục Tố Hữu - Lê Văn Lương mà còn cả với nhiều tuyến đường đô thị khác tại Hà Nội là tình trạng vi phạm luật giao thông, chen lấn, vượt ẩu… gây mất trật tự, ATGT. Để dần dần hạn chế vi phạm, giữ gìn trật tự cần sớm trang bị hệ thống camera phạt nguội, xử phạt nghiêm khắc người điều khiển phương tiện phạm luật, dù là sử dụng ô tô hay xe máy.

Cũng có ý kiến cho rằng nên cho một số loại hình như: xe buýt thường, taxi, xe hợp đồng lưu thông chung vào làn đường của xe buýt BRT. Nhưng ý tưởng đó rất khó khả thi bởi kết cấu làn đường riêng xe buýt BRT không phù hợp cho xe buýt thường dừng đón trả khách.

Ngoài ra, cho phương tiện khác đi chung vào làn đường sẽ khiến xe buýt BRT bị chậm muộn, không còn đúng với phương án khai thác của loại hình đặc thù này. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã đề xuất với UBND TP giao đơn vị tư vấn độc lập rà soát, đánh giá hiệu quả của xe buýt BRT, trên cơ sở đó sẽ đưa ra quyết sách với loại hình này.

Trước mắt, tình trạng UTGT trên trục Tố Hữu - Lê Văn Lương vẫn diễn biến rất phức tạp, người dân mong mỏi các cấp chức năng sớm có biện pháp để giải quyết vấn đề này, giảm bớt khó khăn, áp lực giao thông trên tuyến.

Mở rộng không gian lưu thông

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, trục Tố Hữu - Lê Văn Lương vẫn có thể mở rộng không gian lưu thông hơn nữa. “Nên giữ nguyên làn đường dành cho xe buýt BRT, xén vỉa hè, mở thêm một làn đường dành cho xe máy kết hợp xây dựng các vịnh đón trả khách cho xe buýt thông thường. Hai làn đường hỗn hợp hiện tại dành cho ô tô lưu thông” - thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải nói.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều đoạn tuyến trên trục đường này vỉa hè còn rất rộng, được sử dụng để làm bãi trông giữ ô tô không đúng quy định, thu lợi cho số ít cá nhân, trong khi UTGT gần như không có lối thoát. Một số chuyên gia cho rằng, Tố Hữu - Lê Văn Lương là trục đường có nhiều tuyến xe buýt chạy qua, việc xén hè, tạo làn phụ ra vào đón khách cho xe buýt cũng sẽ giảm thiểu tình trạng ùn ứ phương tiện, giảm bức xúc của người dân đối với xe buýt.

Ngoài ra, các nút giao: Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương; Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương cũng cần điều chỉnh như xén hè, mở lối rẽ phải liên tục, giải tỏa một phần áp lực cho dòng phương tiện trên trục chính. Trên thực tế, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã thiết kế làn đường rẽ phải liên tục cho phương tiện. Việc xén hè mở làn rẽ phải liên tục trên đường Lê Văn Lương sẽ cho hiệu quả rất khả quan.

Một trong những nút thắt rất cần được xử lý sớm là hai đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng. Cầu vượt này vốn là một hợp phần của tuyến buýt nhanh BRT01, được tổ chức cho xe buýt, buýt nhanh, ô tô lưu thông tránh nút giao, cấm xe máy đi lên. Nhưng lâu nay quy tắc này không thể thực hiện được, mỗi khi xe máy, ô tô, xe buýt chen chúc lên cầu, UTGT kéo dài hàng cây số. Sở GTVT Hà Nội cần có giải pháp trước mắt để phân làn, tháo gỡ nút thắt nêu trên.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý xe dừng đỗ sai quy định, các điểm tập kết rác gây UTGT trên tuyến, bảo đảm không gian lưu thông thông thoáng cho trục đường có làn dành riêng xe buýt BRT.

Về lâu dài, việc đầu tư mở rộng thêm một làn đường cho xe máy, xe buýt thường trên trục Tố Hữu - Lê Văn Lương được giới chuyên gia đánh giá là khả thi và vô cùng cấp thiết. Sở GTVT Hà Nội cùng các đơn vị liên quan cần sớm nghiên cứu, đưa ra phương án đề xuất, tham mưu để UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định càng sớm càng tốt.

 

Giải pháp bài bản nhất để chống ùn tắc đó là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, quản lý mật độ dân cư và phát triển vận tải công cộng...

Tại Hà Nội, tỷ lệ quỹ đất cho giao thông trong nhiều thập niên qua chỉ khoảng 7 - 8% và gần đây lên được 10% diện tích đất đô thị, trong khi tỷ lệ phương tiện cơ giới chưa tính vãng lai đã ở mức xấp xỉ 750 xe/1.000 dân. Qua đó cho thấy, vận tải công cộng vẫn “lép vế” và hơn 90% nhu cầu đi lại do vận tải cá nhân đảm nhiệm.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia,
TS Trần Hữu Minh