Ùn tắc trên tuyến đường Ba La - Ngã Tư Sở: Cách nào xử lý?

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trục đường Quang Trung - Trần Phú (quận Hà Đông) - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) thực sự là “ác mộng” trong giờ cao điểm, kể cả khi đã có đường sắt đô thị (ĐSĐT) đi qua.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có hành động “giải cứu” người tham gia giao thông, vãn hồi trật tự, ATGT trên tuyến đường này.
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quân Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng  
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quân Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng  

Nút giao 4 tầng vẫn tắc cứng

Trục đường nối từ Ba La đến Ngã Tư Sở hiện là một trong những tuyến được đầu tư hạ tầng tốt nhất của Hà Nội. Nhưng nghịch lý đây cũng là một trong những trục giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc nhất. Kể cả nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến với 4 luồng lưu thông khác mức: Hầm - đường đi thấp - đường trên cao - ĐSĐT vẫn có thể tắc cứng bất cứ lúc nào. Đặc biệt, từ khi tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, dù giảm tải đáng kể cho tuyến đường nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn nạn ùn tắc.

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Thứ nhất là việc thiếu đồng bộ về hạ tầng giữa trục Ba La - Ngã Tư Sở với các tuyến giao cắt như: Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông); Khuất Duy Tiến; Láng… khiến áp lực giao thông trong giờ cao điểm không có hướng giải toả nhanh, dồn ứ cả khu vực. Đặc biệt, nút Ngã Tư Sở hiện nay thường xuyên ùn tắc hướng từ Vành đai 2 trên cao xuống đường Láng, chặn hướng đi từ Nguyễn Trãi - Tây Sơn.

Thứ hai, là việc tổ chức giao thông trên nền tảng hạ tầng sẵn có chưa được tối ưu. Chưa có những giải pháp mạnh dạn hơn, hiệu quả hơn để phân làn, phân luồng, điều tiết toàn tuyến. Ví dụ điển hình là việc thiếu làn đường riêng khiến xe buýt vừa “chìm nghỉm” trong ùn tắc, vừa là tác nhân ít nhiều ảnh hưởng đến giao thông trên trục Ba La - Ngã Tư Sở. Nhiều điểm quay đầu như tại hai miệng hầm chui Khuất Duy Tiến hay nút giao lệch Văn Quán – Trần Phú… là điểm đen ùn tắc thời gian dài vừa qua.

Thứ ba, là ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông trên tuyến cực kỳ kém. Lấn làn, vượt ẩu, chen chúc, tranh giành đường là những hành vi phổ biển, vừa gây ùn tắc vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Tất cả tạo nên một nghịch lý là tuyến đường có hạ tầng vào loại tốt nhất lại là “cơn ác mộng” giao thông đáng ngại nhất của Hà Nội suốt thời gian qua.

Trong khi chờ ĐSĐT phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa, hạ tầng giao thông kết nối các khu vực xung quanh đồng bộ, phát triển hơn nữa, cơ quan chức năng cần xem xét ngay một số biện pháp tức thời, giải cứu người tham gia giao thông trên tuyến Ba La - Ngã Tư Sở.

Khôi phục hình thức phân làn cũ

Nhiều năm về trước, tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú đã từng được phân làn rất khoa học, giảm thiểu được ùn tắc giao thông. Cụ thể, khi chưa có ĐSĐT, tuyến đường này có hai làn đường dành riêng, sát lề phải mỗi hướng đi, dành cho xe buýt và xe máy, sử dụng dải phân cách cứng để tách biệt. Nhờ đó, ô tô, xe máy, xe buýt đi riêng, không chen lấn, hỗn loạn như hiện này.

Đó có thể xem là giải pháp khả thi và cho hiệu quả cao nhất trong bối cảnh hiện tại. Nếu tái lập hai làn đường riêng dành cho xe buýt, xe máy, từ ngã ba Ba La đến đầu cầu vượt Ngã Tư Sở, toàn tuyến hoàn toàn có thể cải thiện đáng kể năng lực thông hành, tránh những xung đột rối rắm như hiện nay.

Ngoài ra cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm nút giao lệch Văn Quán - Trần Phú. Đây được xem là điểm nóng gây rất nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông do nhịp đèn bất hợp lý, có lúc kéo dài đến 120 giây. Nếu không có biện pháp cải tạo, tổ chức phù hợp cần kiên quyết đóng nút này để xóa điểm nghẽn vĩnh viễn.

Đối với khu vực hai miệng hầm chui Khuất Duy Tiến, cần nghiên cứu cụ thể hiện trạng tĩnh không và đường dẫn, nếu hợp lý có thể lắp đặt cầu vượt qua đường Nguyễn Trãi dành cho xe máy. Loại cầu vượt này đã được sử dụng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và cho hiệu quả rất tích cực. Cùng với đó, việc lắp đặt camera phạt nguội ô tô lấn làn quay đầu, tình trạng ùn tắc tại nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi sẽ có thể được hạn chế tối đa. Cầu vượt dành cho xe máy sang đường cũng có thể nghiên cứu lắp đặt tại các nút: Quang Trung - Lê Trọng Tấn; Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Trãi hoặc trước cửa Khu đô thị Royal city…

Bên cạnh việc kết hợp phân tách làn đường riêng cho xe máy, xe buýt với cầu vượt dành cho xe máy sang đường, cần có giải pháp tổ chức lại nút Ngã Tư Sở, hướng trực thông Vành đai 2 - Láng. Để khép kín Vành đai 2, hoàn thiện đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy sẽ cần nhiều năm nữa, không thể để nút giao này thành điểm đen kéo dài, gây ảnh hưởng đến toàn bộ trục đường huyết mạch nối cửa ngõ phía Tây - Nam với trung tâm Hà Nội.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường xử phạt nghiêm vi phạm của người tham gia giao thông, kể cả trong giờ cao điểm, nhất là những vi phạm gây ùn tắc nghiêm trọng như lấn làn quay đầu tại khu vực hầm chui Khuất Duy Tiến, vượt đèn đỏ… Xem xét lắp đặt sớm hệ thống camera giám sát, phục vụ ghi hình phạt nguội để tác động mạnh mẽ đến ý thức của người tham gia giao thông.