Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu phía Bắc: Đau đầu tìm giải pháp căn cơ

Ánh Ngọc - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Trung Quốc siết chặt biện pháp phòng dịch Covid-19 đối với người và phương tiện nhập khẩu đã khiến hàng nghìn xe container chở hàng hóa nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Mặc dù đã được dự báo, song “điệp khúc” ùn ứ nông sản vẫn tái diễn những nằm gần đây gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này đang bộc lộ những thiếu sót về giải pháp căn cơ, lâu dài của các ngành từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.

Xe hàng mắc kẹt chờ thông quan

Hơn nửa tháng qua, số xe chở hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng tăng, trong khi năng lực thông quan mỗi cửa khẩu chỉ khoảng gần 200 xe/ngày. Theo thông tin từ Sở Công Thương Lạng Sơn, tính đến ngày 19/12, tại cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn 1.415 xe container hàng, chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử... Năng lực thông quan xuất khẩu của cửa khẩu Hữu Nghị hiện khoảng 150 - 200 xe/ngày.
Một lái xe chở  45 tấn xoài từ Tiền Giang nằm chờ ở cửa khẩu, soài trên xe đã ngả màu vàng. Ảnh: Ngọc Thành/Vnexpress
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, lượng hàng hóa ùn ứ đang rất nhiều, lên tới 2.724 xe container. Trong đó, tồn ở bãi Bảo Nguyên 963 xe; tồn tại khu phi thuế quan 1.370 xe; tồn tại ngã ba đến khu vực B2 đường xuất nhập khẩu chuyên dụng 150 xe và tồn tại bãi Cốc Nam 241 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối, mít, xoài đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định. Tại cửa khẩu Tân Thanh, năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 180 - 200 xe/ngày. Tại cửa khẩu chính Chi Ma hiện đang tồn 640 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô, nhựa thông, phế liệu kén tằm… Như vậy, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng 19/12 là 4.903 xe. So với 4.804 xe tồn tại thời điểm sáng ngày 18/12, lượng tồn tăng lên 99 xe sau một ngày.

Lý giải về tình trạng này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho hay, thời gian vừa qua, do gia tăng mức độ phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp kiểm dịch đối với người, phương tiện nhập khẩu là lý do chính khiến việc thông quan chậm. Cùng với thời điểm cuối năm, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tăng cao, từ 1.500 - 1.700 phương tiện/ngày, khiến lượng phương tiện ùn ứ càng gia tăng.

Chưa thể giải quyết dứt điểm

Nhận định rõ chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân gây ra ùn ứ nông sản tại cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh, TP thông tin đến các DN bố trí thời lượng đưa xe lên cửa khẩu bảo đảm năng lực thông quan. Bộ NN&PTNT dự báo thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là chuẩn bị dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, nhu cầu hàng nông sản, thủy sản tại Trung Quốc tăng cao. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn, thông báo cho các DN làm việc với đối tác nhập khẩu bố trí thời lượng đưa xe lên cửa khẩu để đảm bảo phù hợp với năng lực thông quan và giảm thiểu chi phí cho DN.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng rau quả, thủy sản xuất khẩu qua tuyến biên giới với Trung Quốc. Mặt khác, tập trung kiểm soát các cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ DN theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng đảm bảo đủ điều kiện thông quan khi hàng đưa lên cửa khẩu.

Bày tỏ lo ngại về giải pháp xử lý tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, hiện chưa có giải pháp nào khả thi để giải quyết tình trạng ùn ứ này. Bởi không riêng gì trái cây, nông sản Việt Nam, mà trái cây, nông sản của Thái Lan, Lào, Campuchia đều phải chịu tình trạng này. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện tại chỉ có thể tăng cường hỗ trợ DN về vay vốn để thu mua, chế biến nông sản cho người dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm kích cầu tiêu thụ trong nước cũng như đẩy mạnh thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ.

Đầu tư chuỗi logistics cho nông sản

Khuyến cáo các giải pháp giải quyết tình trạng nghẽn nông sản tại các cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị thương nhân, DN chuyển sang đi qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn. Chuyển phương thức vận tải đi bằng đường biển đến các cảng của Trung Quốc như đối với mặt hàng thuỷ sản.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang các thị trường tiềm năng khác.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các DN, thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính). Bởi trên thực tế trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ thường xuyên khuyến cáo các địa phương, nông dân, DN tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài. Riêng đối với xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, rất cần thiết phải xây dựng được trung tâm logistics để DN tránh bị động, áp lực, “làm giá” khi nông sản được đưa tới các cửa khẩu.

“Để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng thương hiệu nông sản... chuẩn hóa mọi quy trình. Trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, Bộ cũng sẽ dành kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

"Bộ NN&PTNT đã làm việc trực tiếp với Hải quan Trung Quốc nhưng nước bạn cho biết, tình hình kiểm soát hàng hoá liên quan tới dịch bệnh là quy định chung cần phải thực hiện. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng kiến nghị 2 bên sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu."- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan


"Sau khi nhận được khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, các chủ hàng, DN đã tạm ngừng đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh

Lạng Sơn. Mặt khác, do thời gian chờ đợi lâu, nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu hư hỏng nên một số chủ hàng, DN đã chọn giải pháp quay đầu xe chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí. Tính đến hết ngày 20/12, tổng lượng xe tồn tại ở 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.598 xe, giảm 305 xe so với ngày 19/12." - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại