UNDP đánh giá cao mức phát triển con người của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đưa ra trong Lễ Công bố Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015. Cụ thể, các kết quả nghiên cứu cho thấy, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có mức phát triển con người cao tương tự Ba Lan hay Croatia.

Ngang ngửa một số thành phố châu Âu

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tiến bộ của Việt Nam về phát triển con người không đồng đều và đang chậm lại trong vài năm gần đây.

Ở cấp quốc gia, trong 35 năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về phát triển con người. So sánh tiến bộ về phát triển con người giữa Việt Nam với một số nước cho thấy, Việt Nam là nước có kết quả tốt nhất trong giai đoạn 1990 - 2000, song vị trí này bị lùi dần trên bảng xếp hạng trong 2 giai đoạn sau là 2000 - 2008 và đặc biệt là từ 2008 trở lại đây.
UNDP đánh giá cao mức phát triển con người của Việt Nam - Ảnh 1
Cụ thể, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng trung bình 1,92%/năm từ năm 1990 - 2000, nhưng giảm xuống mức 1,33% mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2008 và giảm xuống 0,69%/năm từ năm 2008, thấp hơn mức bình quân (1,29%) của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tăng trưởng ở các tỉnh là không đồng đều. Như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có mức phát triển con người cao nhưng các tỉnh nghèo như Hà Giang hay Lai Châu chỉ có mức phát triển con người tương đương Guatemala và Ghana. Bên cạnh đó, trong khi một số tỉnh như Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Thái Nguyên và Phú Yên có phát triển vượt bậc nhưng Hà Nam, Nghệ An, Phú Thọ và Hà Tĩnh lại có tiến bộ rất chậm.

Theo GS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Việt Nam phải đối mặt trong việc sử dụng nguồn nhân lực cũng như rủi ro liên quan đến gia tăng bất bình đẳng do chênh lệch thu nhập cũng như giữa các vùng miền. Một bộ phận đáng kể người dân có thể bị tụt lại phía sau, GS Thắng cảnh báo.

Phát biểu tại Lễ Công bố, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc (LHQ) và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào cả nhóm người nghèo và nhóm có thu nhập không cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo, những người làm việc trong khu vực không chính thức, người di cư đến đô thị và nông dân. “Việt Nam có tiếp tục phát triển thành công hay không phụ thuộc vào khả năng xây dựng một nền kinh tế vì mọi người và công bằng”, bà Mehta nhấn mạnh.

Chi nhiều nhưng hiệu quả không bao nhiêu

Một trong những yếu tố mà nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, có vai trò đóng góp cho chỉ số phát triển con người là y tế và giáo dục. Về nội dung này, ông Nguyễn Tiên Phong - Trợ lý Giám đốc UNDP tại Việt Nam, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết, người Việt Nam và chính phủ Việt Nam đều chi rất nhiều cho các dịch vụ y tế và giáo dục nhưng do không được quản trị tốt, hệ thống này vẫn không đáp ứng được yêu cầu.

Về giáo dục, ông Phong nhận định, chúng ta đang phân bổ ngân sách không đều, dẫn đến thiếu hiệu quả. “Chúng ta chi khoảng 25% cho giáo dục, trong đó, 12%, gần một nửa, là cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong 12% đó, chúng ta lại chi quá nhiều cho hạ tầng mà chưa chú trọng đến đội ngũ giảng dạy, cải tiến giáo trình...”, ông Phong nói.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho tất cả các bậc học còn lại như mầm non, tiểu học, trung học cũng chỉ bằng chi cho đại học. Cũng theo ông Phong, chi tiêu cho giáo dục mầm non còn quá thấp, trong khi độ tuổi này là lúc trẻ em cần được phát triển tốt nhất, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo.

Ông Phong cho hay, trong lĩnh vực y tế, đang có sự bất cân xứng thông tin giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, dẫn đến việc người dân bị áp đặt sử dụng các dịch vụ đôi khi không cần thiết như chụp CT, sử dụng thuốc đắt tiền...

Vì vậy, để chi tiêu cho y tế của người dân cũng như chính phủ thực sự hiệu quả, cấp quản lý cần đặt ra các tiêu chuẩn và kiểm soát thật tốt việc thực hiện để giảm bớt những chi tiêu không cần thiết. Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho rằng nên đẩy mạnh thực hiện Bảo hiểm y tế để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, cần phải có một hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong chi tiêu Bảo hiểm y tế.