Sự kiện do Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT phối hợp cùng Cục Công nghệ thông tin - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Hiệp hội Ngân hàng và tập đoàn IEC tổ chức.
Ngân hàng Việt đi đầu công nghệ số
Theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số. Điều này cho thấy, Việt Nam đang có tốc độ mở rộng nhanh chóng các ứng dụng ngân hàng số và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng số này.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện có 95% tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, trong đó có những tổ chức tín dụng đã đạt 90% giao dịch khách hàng trên kênh số. Nhờ chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí trên thu nhập của một số ngân hàng giảm xuống 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực đang hướng tới.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và NHNN đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. “Đó chính là cơ hội, các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính thích ứng với bối cảnh mới nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng” - ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nay, một số ngân hàng tiên phong chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn mới là sáng tạo số. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn, nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho khách hàng.
Nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI khác nhau đã và đang để lại dấu ấn trong ngành tài chính, ngân hàng. Điển hình là các chatbot thông minh và trợ lý ảo có khả năng hiểu và giải quyết thắc mắc của khách hàng, cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp, tự động hóa tác vụ, phát hiện hành vi gian lận, thẩm định tín dụng và cung cấp các giải pháp hỗ trợ khách hàng tự động.
Đặc biệt, việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, CSDL căn cước công dân còn giúp các đơn vị trong ngành Ngân hàng làm sạch CSDL khách hàng hiện có, loại bỏ các tài khoản “rác” thường được tội phạm lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp. Hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Phát triển hệ sinh thái ngân hàng số
Trong những năm gần đây, hệ sinh thái ngân hàng số ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Sự kết hợp giữa các công ty Fintech với các ngân hàng mang lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng nhờ các sản phẩm, dịch vụ được kết nối tạo sự đa dạng và phong phú, giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn sử dụng các dịch vụ khác nhau chỉ trên một ứng dụng. Đồng thời, làm tăng số lượng khách hàng, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên nền tảng công nghệ, gia tăng thị phần, doanh thu. Ngoài ra, hệ sinh thái số còn mở rộng hợp tác với các công ty viễn thông, công ty internet nhằm tạo ra một ngân hàng số riêng biệt cho ngân hàng.
Như VietinBank hợp tác với công ty Momo để cung cấp dịch vụ thanh toán di động, chuyển tiền trực tuyến và nhiều công ty Fintech trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách hàng; ACB đầu tư vào công ty fintech Tima để mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng trực tuyến; MB hợp tác với công ty fintech Sendo để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mua sắm trực tuyến, thanh toán và giao hàng cho khách hàng.
Một số ngân hàng hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn với hệ sinh thái hơn hàng chục triệu khách hàng tiềm năng như: VNPT, Vietnam Post, Prudential Việt Nam, Vietnam Airlines… Qua đó giúp ngân hàng mở rộng thị phần, tăng cường bán chéo sản phẩm dịch vụ, phát triển khách hàng mới…
Dù vậy, thách thức cho ngành ngân hàng khi thực hiện chuyển đổi số là không ít. Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, rủi ro tội phạm công nghệ liên quan tới quá trình chuyển đổi số do ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng chú ý của tội phạm công nghệ với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn...
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần thúc đẩy hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng số để thúc đẩy phát triển và cung cấp dịch vụ ngân hàng số đảm bảo an toàn, lành mạnh.
Các quy định cần có nội dung cụ thể đối với hoạt động ngân hàng số phải đảm bảo lành mạnh, an toàn để các TCTD tuân thủ; có các quy định về kết nối, giám sát cơ sở dữ liệu ngân hàng số với cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ công tác quản lý. Trường hợp phát sinh những vấn đề mới trong thực tiễn đối với các hoạt động ngân hàng số mà chưa có tiền lệ, chưa có các quy định pháp luật để điều chỉnh, Luật Các TCTD cần bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành cơ chế để thử nghiệm.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng cần rà soát để ban hành mới hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan đến hoạt động ngân hàng số như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt... sao cho phù hợp với Luật Các TCTD để đảm bảo không cản trở sự phát triển, an toàn, lành mạnh của ngân hàng số.