Gia tăng giá trị kinh tế
Tại Hà Nội, Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) được xem là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và hoa lan Hồ Điệp. Mô hình nhà lưới, nhà kính đã được hợp tác xã này đầu tư, đưa vào sản xuất thực tiễn trong hàng chục năm qua.
Việc ứng dụng nhà lưới, nhà kính hiện đại giúp hợp tác xã chủ động được nhiệt độ, ánh sáng và điều tiết được sinh trưởng, phát triển của hoa lan Hồ Điệp theo ý muốn. Hệ thống làm lạnh cũng giúp hợp tác xã xử lý được ra hoa tại chỗ, đáp ứng nguồn cung theo yêu cầu thị trường, tránh tình trạng bị dư thừa.
Những năm gần đây, Công ty CP Giống gia súc Hà Nội đang cho thấy tiến
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn TP. Trong đó, các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản lần lượt chiếm tỷ lệ: 45%, 80% và 60%. Ngoài ra, 50% tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.
bộ vượt bậc về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành chăn nuôi. Đáng kể nhất phải nói tới việc ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò F1 hướng thịt. Giám đốc Công ty CP Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết, dự án khoa học công nghệ nêu trên đã giúp tạo ra 240.000 con bê F1 BBB; giúp tăng năng suất đàn bò thịt lai tạo so với các giống lai trước đây từ 20 - 30%. Bên cạnh đó là tạo ra hơn 160.000 việc làm cho lao động nông thôn.
Trên đây là 2 trong tổng số 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát triển tương đối hiệu quả trên địa bàn Hà Nội. Các ứng dụng hiện nay tập trung chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt (105 mô hình), chăn nuôi (39 mô hình), còn lại là thủy sản (15 mô hình) và 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại lợi ích kinh tế vượt trội về giá trị hàng hóa. Những năm qua, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng, hiện đang chiếm khoảng 35% tổng giá trị.
Chưa xứng tiềm năng, lợi thế
Thực tế những năm qua, nông nghiệp công nghệ cao đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế. Dù vậy, số lượng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn bị đánh giá là quy mô hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Toàn TP hiện mới có khoảng 20 DN đầu tư vào sản xuất rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, giống lúa mới, và 9 DN chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản. Gần 95 hợp tác xã tại các địa phương cũng đang bước đầu tiếp cận với những phương thức sản xuất mới trên cơ sở tiến bộ khoa học.
Mặc dù vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông ngiệp tại Hà Nội hiện vẫn chưa thực sự bài bản. Đó là lý do vì sao cho đến tận năm 2023, TP mới chỉ có duy nhất 1 DN được Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nguyên nhân khiến nông nghiệp công nghệ cao chưa thực sự đạt như kỳ vọng có nhiều. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà hầu như thành phần kinh tế nào cũng gặp phải, theo chia sẻ của Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài Bùi Thị Bích Hường, đó là nguồn vốn đầu tư thiếu hụt. Điều này dẫn đến công nghệ cao hầu như mới chỉ được ứng dụng trong một số công đoạn trong chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Ở một khía cạnh khác, TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Hà Nội là địa bàn tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên việc hình thành nên những liên kết phối hợp trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đô thị tại Hà Nội nhìn chung còn rất hạn chế.
Đã chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách
Việc đẩy mạnh khoa học công nghệ được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Điều này cũng hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”, và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Nhận thức được vấn đề trên, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đang là đòi hỏi đặt ra cấp thiết. Nhằm triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng để trình UBND TP Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng 2030.
“Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đi vào thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện…” - ông Tạ Văn Tường bày tỏ quan điểm.