Ứng dụng công nghệ cao tạo đà cho nông nghiệp Hà Nội đi lên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/6, MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo "Nghị quyết về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) TP giai đoạn 2016-2020".

Hội nghị thu hút đông đảo các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học các bộ, ngành, trung tâm nghiên cứu và thành viên MTTQ tham gia.

Hầu hết ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết góp phần thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Luật Thủ đô và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan, bảo đảm tính khoa học, khách quan, có tính khả thi... và đã kết hợp được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho định hướng phát triên nông nghiệp Hà Nội

 
các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học
Các nhà khoa góp ý dự thảo "Nghị quyết về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP giai đoạn 2016-2020".

GS.TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác KHKT châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, thực hiện Chương trình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - môi trường lớn cho Hà Nội. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển đến năm 2020 là hơi chậm so với cả nước.

Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn. GS.TS Phạm Thị Thuỳ - Uỷ viên Thường vụ Hội các ngành sinh học Hà Nội cho rằng, số lượng trong mục tiêu chương trình đưa ra về diện tích sản xuất, chăn nuôi các loại cây, loại con là quá lớn, nên tính khả thi khó đạt như mong muốn, hoặc đạt thì chất lượng ứng dụng của nông nghiệp CNC chưa bảo đảm; sự phân bố các địa phương sản xuất, canh tác chưa hợp lý. Cụ thể như con số phát triển 1.000ha chè và 600ha nuôi trồng thuỷ sản và 50% tỷ lệ trang trại ứng dụng CNC là khó thực hiện, vì CNC là công nghệ tiên tiến, chứ không phải quy mô, cần xem lại.

Ông Bùi Tuấn Khải - Chủ tịch Hội Chăn nuôi cũng lưu ý, ứng dụng CNC là việc mới, khó và phức tạp, đòi hỏi nghiên cứu kỹ, chọn công nghệ, sản phẩm phải thích hợp, đầu tư đồng bộ về công nghệ, đào tạo, vốn, chính sách và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định thì đầu tư mới hiệu quả và đi vào sản xuất ổn định. Ông Khải kiến nghị giảm diện tích chè ứng dụng CNC từ 33% xuống còn 5% để rút kinh nghiệm, tổng kết và nhân rộng mô hình này, vì chè không phải sản phẩm thiết yếu và hiệu quả kinh thế thấp.

Một số ý kiến đề nghị, dự thảo làm rõ, quy mô phát triển 600ha thuỷ sản phải cụ thể là bao nhiêu ha cá, tôm, hoặc ba ba, cần được bổ sung để bảo đảm tính hợp lý trong khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC... Đặc biệt, đề xuất đưa ra mức 12 tỷ đồng để tổ chức gần 100 đoàn tham quan trong và ngoài nước là quá nhiều, lãng phí cần xem.

Đồng thời, kiến nghị, cần huy động vốn xã hội hoá XHH, trong đó  nên mở rộng thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài bằng hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác ứng dụng CNC để tiếp cận những công nghệ sản xuất và quản lý tiến tiến các nước phát triển.

Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) kiến nghị, với đặc điểm là Thủ đô, Hà Nội ƯDCNC sản xuất NN gắn với du lịch, gắn với chế biến để đáp ứng thị trường tiêu thụ là Thủ đô. Theo ông,  dự thảo Tờ trình, cần bổ sung đầy đủ hơn chiến lược phát triển nông nghiệp của Chính phủ để làm cơ sở, thuyết phục HĐND TP thông qua tới đây.

Ban Thường trực MTTQ TP tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, gửi HĐND Thành phố xem xét.

 
Dự kiến tổng mức đầu tư với cơ cấu nguồn vốn là 11.525 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách: 970,6 tỷ đồng, chiếm 8,24%. Quy mô đầu tư có 1.000ha rau, 500ha hoa, 1.370 ha cây ăn quả, 100 ha chè, 600 ha thủy sản; có 3 vùng chăn nuôi gia cầm, 2 vùng chăn nuôi lợn, 3 vùng chăn nuôi bò sữa, 200 trang trại nuôi gà, 200 trang trại nuôi lợn... Hàng năm sản xuất trên 306 nghìn tấn thịt lợn. 2160 tấn thịt bò, 38.514 tấn sữa, 12.000 tấn thủy sản...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần