Các đối tác từ Đan Mạch gồm: Skiold, Munters, Tornordic, Danbred, Vilomix và Haarslev. 6 đối tác này sẽ cung cấp công nghệ, giải pháp theo phương thức chìa khóa trao tay nổi tiếng thế giới trong các lĩnh vực: Trang thiết bị cho trang trại chăn nuôi lợn, xử lý ngũ cốc, giải pháp cho nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp giống lợn, chương trình dinh dưỡng, nhà máy giết mổ, chế biến và nhà máy bột thịt xương.
Cụ thể, trong khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác này, Công ty Skiold sẽ triển khai một dịch vụ trọn gói trị giá nhiều triệu Euro gồm tư vấn, thiết kế và cung cấp thiết bị phục vụ cho việc chăn nuôi heo và cung cấp giải pháp trọn gói cho cụm nhà máy làm sạch, sấy khô và lưu trữ lúa gạo.
Các công ty khác như Munters sẽ cung cấp giải pháp thông gió cho tất cả các dự án chăn nuôi lợn của Tập đoàn Tân Long; Công ty Danbred và Vilomix sẽ cung cấp lợn giống, chất premix có chất lượng cao nhất, cũng như các giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất cho các dự án chăn nuôi lợn của Tân Long tại Myanmar và Việt Nam.
Cuối cùng, công ty Tornordic và nhà thầu phụ Haaraslev sẽ là đơn vị xây dựng và lắp đặt một nhà máy giết mổ và chế biến thành phẩm và nhà máy bột thịt xương cho Tập đoàn Tân Long.
Đan Mạch và Việt Nam đã có bề dày hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ xử lý giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản, nước, môi trường và năng lượng. Phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm luôn là trung tâm của sự hợp tác song phương giữa hai quốc gia.
Tổng giám đốc Tập đoàn Skiold Lasse Vegiegand khẳng định: “Chúng tôi rất vinh dự khi được trở thành đối tác chiến lược chính của Tân Long, cũng như là nhà cung cấp giải pháp và thiết bị cho dự án làm sạch, sấy khô và lưu trữ lúa gạo lớn nhất Việt Nam, có công suất 120.000 tấn và mở rộng giai đoạn 2 lên tới 240.000 tấn”.
Công nghệ tiên tiến của Skiold sẽ góp phần làm tăng hiệu suất của chuỗi hậu cần sản xuất, giảm thải cũng như đưa các giống gạo đặc sản Việt Nam lên chuẩn chất lượng cao nhất. ông Lasse Vegiegand nói them, cùng với đó là chuỗi giá trị 3F theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc.
Theo Giám đốc điều hành mảng gạo và nhà máy gạo - Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung, các công nghệ và giải pháp của các doanh nghiệp đối tác Đan Mạch sẽ giúp Tân Long có được sự tối ưu trong chăn nuôi lợn; sản xuất, chế biến và lưu trữ các sản phẩm từ lúa gạo.
Tập đoàn Tân Long là một trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản hàng đầu của Việt Nam. Tập đoàn này đang hướng tới việc mở rộng quy mô sản xuất lúa gạo và chăn nuôi lợn với những dự án lớn được triển khai tại Việt Nam và Myanmar.
Hiện trang trại lợn của Tập đoàn đã đạt quy mô 350.000 con/năm, với định hướng nâng số lượng lớn bán ra thị trường lên đến 1 triệu con/năm trong thời gian tới.
Ngoài thị trường nội địa, Tập đoàn này cũng đang đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn tại Myanmar, cung ứng khoảng 100.000 con lợn thịt cho thị trường này năm 2019...