Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng mạng xã hội để xử lý vi phạm vệ sinh môi trường: Bước đột phá trong quản lý đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều điểm đen về rác thải được xóa bỏ, các tuyến phố không còn rác tập kết bừa bãi ngay chân cột điện, gốc cây gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường (VSMT). Đây là hiệu quả của cách làm sáng tạo dựa trên ứng dụng di động như Zalo, Viber trong kiểm tra, giám sát công tác VSMT mà nhiều quận trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, hình ảnh trên nhóm Viber về vị trí tồn tại vi phạm VSMT, lãnh đạo các phường trên địa bàn quận Cầu Giấy đã chỉ đạo lực lượng đến xử lý chỉ trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Ảnh: Vũ Lê
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Mặc dù đã có đầy đủ chế tài từ Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ nhưng lâu nay để xử lý triệt để những vi phạm về VSMT, xả rác bừa bãi tại các tuyến phố, nơi công cộng luôn là việc khó khăn đối với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đi trên một số tuyến phố của quận Cầu Giấy như Nguyễn Văn Huyên, Duy Tân, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Duy Hưng… người dân không còn thấy xuất hiện rác xả bừa bãi bên lề đường, hè phố. Hay tại các ngõ ngách, khu dân cư không tồn tại các điểm rác chất đống. Cảnh quan, môi trường nhờ đó mà sáng, xanh, sạch, đẹp.
Hiện nhóm Zalo này mới chủ yếu kết nối các thành viên của Sở Xây dựng với các quận, còn tại các huyện hầu như chưa có lực lượng tham gia. Để phát huy hiệu quả từ cách làm này, đầu tháng 10 vừa qua, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn số 8792/SXD-HT gửi UBND các quận, huyện, thị xã về sử dụng các phần mềm ứng dụng Zalo, Viber trong công tác kiểm tra, giám sát VSMT.

Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy Trần Hanh cho biết, để có được kết quả này, quận đã sử dụng ứng dụng mạng xã hội Zalo, Viber như một kênh không chính thống nhưng lại rất hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các lực lượng chức năng nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tế. Từ đó xử lý kịp thời những vi phạm về trật tự đô thị và VSMT. Từ năm 2016, quận Cầu Giấy đã lập nhóm công tác trên mạng Viber do một Phó Chủ tịch quận phụ trách, kết nối lãnh đạo, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận, lãnh đạo các phòng, ban của quận và 8 phường trên địa bàn để cùng phối hợp xử lý những tồn tại về VSMT. Vào đầu giờ sáng mỗi ngày, tất cả các thành viên trong nhóm đều phải đi “tuần” trên các tuyến phố, địa bàn được phân công theo dõi. Khi phát hiện trường hợp vi phạm, các thành viên có trách nhiệm chụp ảnh, thông tin về địa điểm, ngày giờ phản ánh lên nhóm. Từ đó, lãnh đạo các phường biết, có trách nhiệm chỉ đạo xử lý rồi thông tin, báo cáo lại kết quả ngay trên nhóm để lãnh đạo quận nắm rõ. Với vụ việc phức tạp, lãnh đạo quận và ngành có liên quan cũng nắm bắt được ngay và có chỉ đạo xử lý kịp thời. "Qua 2 năm áp dụng cách làm này, hiệu quả rõ nhất là các vi phạm được xử lý nhanh, trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian xin ý kiến bằng văn bản, đảm bảo kịp thời, chính xác vào bất cứ thời gian nào trong ngày, ngay cả ngày nghỉ" - ông Trần Hanh nhận xét.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên, đến nay, hầu hết các vụ việc đều được giải quyết trong khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi lãnh đạo địa bàn nhận được phản ánh. Nếu sau khoảng thời gian này, phường nào chưa giải quyết xong sẽ bị trừ điểm thi đua hàng tháng của Chủ tịch phường đó.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình này, quận Cầu Giấy đã triển khai mở rộng nhóm trong các ứng dụng điện thoại thông minh tới chi bộ, tổ dân phố. Khi người dân phản ánh lên, các cán bộ tổ dân phố, phường phản hồi lại kết quả xử lý sự việc để thông tin hai chiều. Từ đó tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị và VSMT.

Cần nhân rộng cách làm hay

Cùng với quận Cầu Giấy, hiện nhiều quận trên địa bàn TP cũng đã áp dụng mạng Zalo, Viber mang lại hiệu quả như quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân… Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, đây là bước đột phá, hướng tiếp cận mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời phát hiện, giám sát tình hình vi phạm và xử lý những vi phạm về trật tự đô thị, VSMT. “Trong 8 tháng đầu năm 2018, qua mạng xã hội Zalo, trên địa bàn quận Đống Đa đã có 550 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, 200 vi phạm về VSMT và 100 trường hợp vi phạm khác bị phát hiện và xử lý kịp thời” - ông Việt cho biết.

Theo Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, nhận thấy việc sử dụng nhóm Zalo sẽ giúp kết nối trao đổi thông tin giữa Sở Xây dựng đến các UBND quận, huyện, thị xã kịp thời cập nhật công tác duy trì VSMT TP nói chung và từng địa phương nói riêng nên từ tháng 10/2017, Sở đã lập nhóm Zalo “Đôn đốc VSMT”. Đến nay, nhóm đã có khoảng 100 thành viên gồm các lãnh đạo, cán bộ liên quan trực tiếp đến công việc tại Sở và các quận trên địa bàn TP. “Việc quản lý hoạt động VSMT qua các ứng dụng này giúp các lực lượng chức năng giải quyết công việc kịp thời, cập nhật phản ánh thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Đôn đốc các vị trí tồn tại trong công tác VSMT trên địa bàn TP để yêu cầu, theo dõi và tiếp nhận kết quả xử lý từ các đơn vị” – ông Hùng cho biết.