Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp

BS Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thoái hóa khớp là hậu quả của cả vấn đề sinh học và cơ học, gây ra tình trạng mất ổn định quá trình tổng hợp và thoái hóa bình thường của tế bào sụn khớp, chất gian bào và xương dưới sụn.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng sụn khớp mà liên quan đến toàn bộ khớp bao gồm xương dưới sụn, dây chằng, bao khớp, màng hoạt dịch và những cơ quanh khớp. Đây là bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thường gặp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thoái hóa khớp là nguyên nhân gây tàn tật ít nhất 10% dân số trên 60 tuổi.

Trong các bệnh lý thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối chiếm 1/3 dân số lớn tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Đây là bệnh lý rất thường gặp, biểu hiện bằng các cơn đau gối mạn tính và ngày càng diễn tiến nặng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơn đau do thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các thống kê cho thấy, thoái hóa khớp gối có tỷ lệ tàn tật ngang bằng với bệnh phổi và bệnh tim mãn tính.
 Phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp đã chứng minh tính hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp gối như điều trị nội khoa bằng thuốc (Paracetamol, NSAID, ức chế COX-2, Diacerein…), phẫu thuật nội soi (cắt lọc, tạo vi gãy xương kích thích tủy, cấy tế bào sụn tự thân), ghép sụn, cắt xương sửa trục, thay khớp và liệu pháp tế bào gốc. Hiện nay, phương pháp tiêm tế bào gốc từ mỡ tự thân của người bệnh được xem là phương pháp điều trị mới, ít xâm hại, giúp giảm nguy cơ thay khớp gối nhân tạo, mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh thoái hóa khớp gối.

Phương pháp điều trị mới

Theo các chuyên gia, tế bào gốc mô mỡ tự thân là một phương pháp mới có hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp. Tế bào gốc không những có thể cải thiện triệu chứng và chức năng của khớp gối thoái hóa mà còn giảm tình trạng viêm cũng như phục hồi vùng sụn tổn thương. Trên thực tế, sự cải thiện về mặt chức năng vận động của người bệnh trong thời gian theo dõi ít nhất 12 tháng đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này.

Bệnh nhân N.T.N, 48 tuổi, ngụ tại Tiền Giang. Hơn 2 năm nay, chị bị đau âm ỉ gối trái, đau nhiều vào buổi sáng khi ngủ dậy khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, đã đi khám và được điều trị bằng thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Gần đây, chị đến khám tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Dựa vào thăm khám lâm sàng và chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán chị bị thoái hóa khớp gối trái. Sau đó người bệnh được điều trị bằng thuốc kết hợp với phẫu thuật nội soi khớp gối cắt lọc và tiêm tế bào gốc vào khớp gối. Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Kết quả sau 2 tháng phẫu thuật, người bệnh giảm đau gối nhiều, có thể làm việc và sinh hoạt bình thường.

Bệnh nhân T.V.B, 57 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu, cách đây 6 năm, ông bị đau 2 đầu gối và đã được điều trị nội khoa và tiêm khớp không rõ loại ở địa phương nhiều năm nhưng không giảm. Càng ngày cơn đau càng dữ dội, ông đến khám tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Tại đây, các bác sĩ đã khám lâm sàng, chụp phim X-quang và xét nghiệm sinh hóa máu cho người bệnh. Ông B. được chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối 2 bên và được điều trị nội khoa với giảm đau, kháng viêm kết hợp phẫu thuật nội soi cắt lọc sụn khớp, tiêm tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu trực tiếp vào khớp gối trái. Sau phẫu thuật và tập vật lý trị liệu 4 tháng, người bệnh không còn bị đau gối 2 bên và rất hài lòng về kết quả điều trị. Sau hơn 1 năm theo dõi, các bác sĩ cho biết không ghi nhận các biến chứng, người bệnh gần như đã khỏi hoàn toàn.

Những khuyến cáo

PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo, thoái hóa khớp là bệnh khó tránh khỏi ở người lớn tuổi, thường biểu hiện bằng các cơn đau nhức khi vận động, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp vào buổi sáng, có tiếng lạo xạo khi khớp cử động, các động tác của khớp bị hạn chế, mặt khớp xương bị biến dạng, khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu phòng ngừa từ sớm sẽ giúp làm chậm lại quá trình hư hỏng sụn khớp.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh bao gồm: Duy trì cân nặng hợp lý khi còn trẻ; tránh các tư thế không phù hợp trong sinh hoạt, làm việc; hạn chế ngồi xổm, mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột; tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đúng cách khi còn trẻ giúp xương khớp khỏe mạnh; có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chất cần thiết cho hệ cơ xương khớp; thăm khám sức khỏe định kỳ, tìm gặp ngay bác sĩ nếu thấy có bất thường ở khớp. Bên cạnh đó, việc nhận biết triệu chứng thoái hóa khớp gối và cách điều trị sớm là cách tốt nhất để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh gây ra. Do đó, khi phát hiện bệnh hãy chủ động tìm đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.q