Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủng hộ thi nhiều môn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước 3 phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra cho kỳ thi chung cấp quốc gia, nhiều chuyên gia giáo dục nghiêng về phương án 2.

Với quan điểm cần thi nhiều môn nhằm đào tạo con người toàn diện, các chuyên gia còn cho rằng, bài thi cần phân hóa được trình độ của học sinh (HS) và định hướng phân luồng.

 
Ủng hộ thi nhiều môn - Ảnh 1
PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Ra đề để 60 - 70% người thi đỗ tốt nghiệp là vừa

Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT không nên cho HS chọn bài thi Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội mà phải thi tất cả. Tất nhiên, dư luận sẽ đặt ra vấn đề học nhiều quá thì rất nặng. Song, HS học tất cả kiến thức phổ thông, cái gì nặng thì lược bỏ bớt. Làm như vậy đồng nghĩa với bắt đầu một sự đổi mới chương trình. Một bổ sung nữa là đánh giá cả quá trình học phổ thông. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, chúng ta chỉ đánh giá kết quả học tập lớp 12 với cơ cấu 50% đã tạo điều kiện cho HS đỗ với tỷ lệ rất cao. Theo tôi, đánh giá quá trình phải từ lớp 10, 11, 12 nhằm thúc đẩy HS học thường xuyên và tránh rủi ro cho những em bị ốm đau. Và trong tình hình cho điểm ở giáo dục phổ thông chưa thật tin tưởng, cơ cấu chỉ nên 20% hoặc 30% là cùng. Mặt khác, kỳ thi này kết hợp tuyển lựa thí sinh vào ĐH, CĐ, vì vậy, đề thi phải đánh giá đúng trình độ phổ thông. Bộ chỉ đạo ra đề thi như thế nào để 60 - 70% người thi đỗ tốt nghiệp là vừa. Như thế, các trường ĐH, CĐ đã có sàng lọc và sử dụng kết quả để xét tuyển. Nhưng, dư luận sẽ lại đặt câu hỏi: Những em thi trượt thì sao? Thực ra không phải trượt mà để được tham gia kỳ thi này, HS phải đạt điểm trung bình tất cả các môn học và được cấp giấy chứng nhận học xong phổ thông. Khi có giấy chứng nhận, các em có thể yên tâm đi học nghề. Nếu ta làm được thế này tức là bắt đầu phân luồng tiếp tục đào tạo lên và đào tạo nghề.

Tôi nghĩ, đề thi ra theo hướng mở, nhưng mở đến đâu, yêu cầu thấp hay cao tùy thuộc vào mức độ đánh giá HS. Ví dụ, khi hỏi về biển đảo, các em nói về Trường Sa, Hoàng Sa là được rồi. Mức độ hai là nói được lịch sử Trường Sa và Hoàng Sa và hiện nay ra sao. Tóm lại, đổi mới cách thi không làm HS bỡ ngỡ, bởi đề thi chỉ ra ở kiến thức phổ thông những môn các em đã được học. Mình muốn đổi mới giáo dục thì ra đề thi mở cho khác hiện nay.

 
Ủng hộ thi nhiều môn - Ảnh 2
GS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng: Thi được nhiều môn

Theo tôi, vấn đề cốt lõi là HS có đáp ứng được yêu cầu của chúng ta về trình độ phổ thông hay không để công nhận đỗ tốt nghiệp và để đáp ứng yêu cầu định hướng phân luồng. Do đó, việc soạn bài thi sẽ có 2 cấp: Cấp 1, yêu cầu kiến thức nền tảng phổ thông, ai đạt thì đỗ tốt nghiệp; cấp 2 cao hơn, có những phần xoáy sâu hơn trong mỗi môn học. Nếu HS đạt điểm những môn chuyên sâu đăng ký theo khối vào trường ĐH không cao, thì có thể chuyển sang học ngành khác hoặc đi học nghề.

Cụ thể, bài thi môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… được thiết kế có phần cốt lõi để những em nắm vững kiến thức cơ bản phổ thông có thể đạt điểm 6. Để phân hóa, bài thi sẽ có những câu hỏi nhỏ yêu cầu kiến thức chuyên sâu, các em làm được đạt 7 - 8 - 9 điểm, để các trường ĐH tuyển chọn. Với kết quả đó, các trường ĐH sẽ quyết định môn chính cho từng ngành để nhân hệ số 2 hoặc 3, như thế sẽ lựa chọn được thí sinh đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo.

 
Ủng hộ thi nhiều môn - Ảnh 3
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT:Tích hợp là tổng hợp các môn thi

Phương án 2 khá hay, Bộ GD&ĐT chỉ cần chỉnh lại cho khả thi, đó là yêu cầu thi 5 bài, gồm 3 bài thi đơn và 2 bài thi tích hợp. Hơn nữa, ta hiểu cho đúng bài thi tích hợp là tổng hợp câu hỏi của các môn, còn nếu lồng ghép nội dung của các môn học khác nhau vào một câu hỏi là "đánh đố" người soạn thảo đề thi và người học. Bởi lâu nay, HS được học theo sách soạn thảo đơn môn, việc soạn thảo chương trình theo kiểu tích hợp không chỉ 1 - 2 năm mà nhiều năm nữa mới thực hiện được. Tích hợp các môn khác nhau trong một bài thi cũng là cách hiện nay thế giới đang thực hiện phổ biến. Ví dụ, trong bài thi có 10 câu hỏi thì 4 câu về Vật lý, 3 câu về Hóa học và 3 câu về Sinh học. Đề thi kiểu này không lạ lẫm với HS phổ thông và không phải chờ đến khi có Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới thực hiện được.

Tôi cho rằng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đến hơn 99% như kỳ thi năm 2014 là do đề thi không tốt. Đề thi chuẩn thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức thấp hơn, phụ thuộc thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Do đó, tôi kiến nghị, chương trình giáo dục phổ thông của ta có xây dựng chuẩn đầu ra cho các môn học, nên đề thi phải bám sát được yêu cầu tối thiểu này để HS đạt được điểm trung bình trở lên (điểm đạt). Em nào làm được nhiều câu hỏi hơn thì điểm cao hơn. Cách làm này giúp cho các trường ĐH có đủ lòng tin dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các ngành ĐH. Với những trường ĐH top trên hoặc trường năng khiếu, kết quả thi tốt nghiệp chỉ là điểm sơ tuyển, còn điểm trúng tuyển có thể kiểm tra thêm môn học nào đó hoặc vòng phỏng vấn.