Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng Hòa bàn giải pháp gỡ khó cho hợp tác xã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/4, huyện Ứng Hòa tổ chức hội nghị Tiếp xúc, đối thoại với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn. Những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các HTX đã được lãnh đạo huyện thẳng thắn trao đổi, giải đáp kịp thời. Đồng thời, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cũng được cấp ủy, chính quyền đề ra cụ thể, rõ ràng.

 Bí thư Huyện Ủy Ứng Hòa Nguyễn Phi Thường trao đổi, đối thoại với các HTX tại hội nghị

Ngổn ngang khó khăn

HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Đức (xã Minh Đức) được thành lập năm 2015 theo Luật HTX 2012 với 100% thành viên mới. Là HTX đi đầu về phát triển dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nhưng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. HTX không thu hút được nhân lực có trình độ làm việc khi mức lương cán bộ hiện tại chỉ ở mức trung bình 800.000 – 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ thấp khiến chính các thành viên trong HTX cũng thiếu mặn mà. “HTX rất cần vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhưng không có bất cứ 1 tài sản nào có thể thế chấp vay vốn được. Mặc dù HTX đã có dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ nhưng không có mặt bằng để làm mạ khay, máy cấy” – Giám đốc HTX Chu Văn Tráng chia sẻ.  

Cùng chung cảnh ngộ, HTX dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Xá (xã Phương Tú) gặp khó về tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như vụ Đông 2018, HTX triển khai mô hình sản xuất khoai tây gắn với cơ giới hóa, quy mô 2,5ha, mặc dù năng suất khoai tây cao, chất lượng tốt nhưng đầu ra cho sản phẩm thì rất bấp bênh do DN thu mua với giá rất “bèo” trung bình chỉ 5.000 - 6.000đồng/kg. “Mô hình hay nhưng không bán được sản phẩm, làm mà không có lợi nhuận nên thành viên không mặn mà” - Giám đốc HTX Nguyễn Văn Oanh bộc bạch.

Thậm chí do thiếu vốn mua máy móc cơ giới hóa, vụ Xuân 2019, vị Giám đốc này bất đắc dĩ phải dùng sổ đỏ của gia đình mình để mua 1 máy cấy 6 hàng làm dịch vụ. Và mặc dù HTX đã có trụ sở khang trang, đầy đủ nhà kho, nhà bãi nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.  

Vẫn tình trạng “bình mới, rượu cũ”

Theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Ứng Hòa, hiện, trên địa bàn huyện có 106 HTX, trong đó có 9 HTX quy mô xã, 97 HTX quy mô thôn. Sau 7 năm thực hiện Luật HTX 2012, toàn huyện có 80 HTX, trong đó có 11 HTX quy mô xã, 3 HTX quy mô liên thôn, 66 HTX quy mô thôn. Tuy nhiên, sau chuyển đổi, hầu hết các HTX trên địa bàn đều gặp khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý, điều hành, thậm chí vẫn hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, chất lượng của đội ngũ cán bộ HTX đang là vấn đề nan giải. Hiện, tổng số có 394 cán bộ quản lý HTX nhưng chỉ có 57 cán bộ đạt trình độ Cao đẳng, Đại học, còn lại là đạt trình độ Trung cấp, sơ cấp. Bên cạnh đó, vốn của HTX rất hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn đóng góp của thành viên nhưng mức đóng góp rất khiêm tốn (thấp nhất 50.000 đồng/thành viên, nhiều nhất là 500.000 đồng/thành viên).

Ngoài ra, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và bàn giao nguyên trạng công trình thủy lợi theo Quyết định 41/2016/QĐ - UBND của UBND TP Hà Nội, các HTX đều trong tình trạng không có tài sản cố định để phục vụ sản xuất kinh doanh. Về cơ sở vật chất, hạ tầng của các HTX cũng rất thiếu thốn khi đa phần các HTX không có trụ sở hoạt động, chủ yếu phải hoạt động nhờ tại trụ sở UBND xã, đình làng, 59 HTX hoặc văn hóa thôn.

Đáng buồn hơn, mặc dù vai trò của HTX là tổ chức sản xuất, dịch vụ nhưng các các hoạt động dịch vụ vẫn đơn thuần làm đất, dẫn nước nội đồng, bảo vệ thực vật.... nhưng dưới hình thức thu hộ, trả hộ nên giá trị gia tăng thấp, thu chỉ đủ bù chi. Nhiều HTX không có sản phẩm dịch vụ mang tính hàng hóa, không cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Một số HTX đã thực hiện liên kết với DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhưng vẫn còn lỏng lẻo.

 Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại HTX nông nghiệp Vĩnh Thượng (xã Sơn Công) cho hiệu quả kinh tế cao

“Hiến kế” nâng cao hiệu quả hoạt động HTX

Tại cuộc đối thoại, nhiều HTX kiến nghị, TP, huyện cần có cơ chế tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển dịch vụ. Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ HTX, bởi muốn HTX hoạt động hiệu quả thì tư duy của người quản lý phải thay đổi. Do đặc thù là huyện thuần nông nên các HTX cũng bày tỏ mong muốn huyện nâng mức hỗ trợ hỗ trợ kinh phí mua máy móc cơ giới hóa lên 50%, từ đó khuyến khích HTX phát triển dịch vụ, giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Cùng với đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện bố trí quỹ đất cho HTX hoạt động và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để HTX lấy là cơ sở để huy động vốn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, để giải quyết khó khăn cho HTX trước hết cần thay đổi nhận thức của chính cấp ủy Đảng, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc cả hệ thống chính trị nhằm “hiến kế” cho HTX hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ông Viễn cũng thẳng thắn chỉ ra: “HTX phải xác định được vai trò của mình là hoạt động độc lập mới tạo ra lợi nhuận. Đây là vấn đề cốt lõi của HTX bởi vẫn không ít trường hợp chính quyền can thiệp quá sâu hoặc bỏ rơi HTX”. Thực tế cho thấy, sự thiếu minh bạch trong hoạt động tài chính của HTX đã làm giảm uy tín của HTX. Thậm chí, nhiều HTX đều không xác định được sản phẩm hàng hóa của mình là gì để tập trung liên kết sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả. Đây là những nguyên nhân chính khiến các thành viên tham gia thiếu niềm tin vào HTX.

Đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Phi Thường khẳng định, khó khăn của HTX từ chính nội tại HTX nên muốn gỡ khó thì chính HTX phải chủ động, sáng tạo, xác định rõ lợi thế của mình để tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ. HTX phải phát huy lợi thế của mình là quy mô hoạt động, càng nhiều thành viên tham gia thì càng tăng được vốn hoạt động, thu hút được DN liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Về phía chính quyền địa phương, xác định rõ vai trò của HTX là cầu nối đưa chính sách của Nhà nước đến với người dân nên phải tạo điều kiện cho HTX làm tốt các dịch vụ, không can thiệp sâu, không cứng nhắc.

“Huyện đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội quan tâm, tạo cơ chế thuận lợi và hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời tham mưu cho TP sớm có cơ chế hỗ trợ HTX bao tiêu sản phẩm. Đây được coi là giải pháp mạnh tác động xóa bỏ tư duy mùa vụ, “ăn xổi ở thì” trong sản xuất nông nghiệp” – ông Thường nhấn mạnh.  

Về phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, ông Nguyễn Phi Thường nhìn nhận, Ứng Hòa đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nước sạch phục vụ nuôi trồng thủy sản, bí đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, chưa có cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh ATTP… Những “điểm nghẽn” này cần được khẩn trương tháo gỡ với sự cần sự quan tâm hỗ trợ của TP, các sở, ngành cùng với sự vào cuộc sát sao, quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền huyện nhà trong thời gian tới.

Box:

“Cần khuyến khích thành lập các tổ dịch vụ sản xuất tại HTX như: Trồng trọt, chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm… nhằm nâng cao hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, HTX cần đa dạng các hoạt động phát triển sản xuất tạo ra có sản phẩm chủ lực, từ đó phát triển kinh doanh và có nguồn thu” - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Công Vũ Văn Thanh.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX TP Hà Nội tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ HTX. Sở đã tham mưu UBND TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, DN tiêu thụ sản phẩm, dự kiến sẽ ban hành trong Quý II/2019” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.