Ứng Hoà: Tri ân người có công với cách mạng bị địch bắt, tù đày

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2023), huyện Ứng Hoà tổ chức gặp mặt người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày.

Trong lễ gặp mặt, huyện Ứng Hoà đã tặng quà đối với lão thành cách mạng (hoạt động cách mạng trước 1/1/1945); người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (tiền khởi nghĩa); người hoạt động  cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”… với tổng cộng 48 suất quà, trị giá 72 triệu đồng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hoà tặng quà cho người hoạt động cách mạng; hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày. Ảnh: Lại Tấn.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hoà tặng quà cho người hoạt động cách mạng; hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày. Ảnh: Lại Tấn.

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9, TP Hà Nội tặng 63 suất quà các cơ sở cách mạng, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện Ứng Hoà tiếp tục tổ chức thăm, tặng quà cơ sở cách mạng An toàn khu xã Trầm Lộng; người có công có hoàn cảnh khó khăn.

Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng phát biểu tại lễ gặp mặt. Ảnh: Lại Tấn.
Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng phát biểu tại lễ gặp mặt. Ảnh: Lại Tấn.

Phát biểu tại lễ gặp mặt, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các đồng chí lão thành cách mạng, các gia đình có công với cách mạng, các thế hệ cán bộ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã hy sinh xương máu cho sự trường tồn của quê hương và đất nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng cho biết: Huyện Ứng Hoà có bề dày truyền thống cách mạng vẻ vang. Cùng với đồng bào cả nước, Nhân dân Huyện tiễn đưa lớp lớp thanh niên ra chiến trường bảo vệ Tổ Quốc  với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". 

Nhiều đồng chí chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày khi trở về địa phương, được tín nhiệm phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Đồng chí Phạm Thị Đường nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tân, và có đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn trong huyện.

Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Nguyễn Văn Định tặng quà cho người hoạt động cách mạng; hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày. Ảnh: Lại Tấn.
Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Nguyễn Văn Định tặng quà cho người hoạt động cách mạng; hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày. Ảnh: Lại Tấn.

“Sự đóng góp của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xứng đáng được ghi nhận, biểu dương và trở thành những tấm gương sáng cho cộng đồng xã hội, nhất là thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hoà luôn trân trọng sự hy sinh, những đóng góp to lớn của các cựu tù cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng nhấn mạnh.

Nhân dịp hội nghị gặp mặt, thay mặt Thường trực huyện Ủy,  HĐND, UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng trân trọng đề nghị các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong toàn huyện tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng của các chiến sĩ cộng sản, nêu cao ý chí, bản lĩnh và phẩm chất bộ đội cụ Hồ, tích cực đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, tham gia tích cực các hoạt động, phong trào tại địa phương để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; chung tay góp sức giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và xây dựng huyện Ứng Hoà ngày càng giàu đẹp và văn minh.

 

Qua các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và bảo vệ Biên giới Tổ quốc, toàn huyện có 3.776  liệt sĩ đã anh hũng hy sinh; 1.915 đồng chí thương binh; 1.071 đồng chí bệnh binh; 1.220 người bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ; 64 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; 196 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 315 Bà Mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng; trên 15.000 người người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 26 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng bằng “có công với nước” và hàng ngàn người suốt đời mang trên mình thương tật.