Úng ngập tại các đô thị lớn: Lộ rõ bất cập về xây dựng hạ tầng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một TP cao nguyên như Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng lại xảy ra ngập nặng khi mưa lớn. Đà Nẵng là TP biển, còn sở hữu con sông Hàn đóng vai trò điều tiết cực kỳ quan trọng mà mưa lớn vẫn khiến nhiều khu vực ngập sâu… Tình trạng ngập úng nặng tại Đà Lạt, Phú Quốc những ngày qua cho thấy nhiều bất cập về xây dựng hạ tầng tại các đô thị, nhất là các TP du lịch.

Chuyên gia nêu nguyên nhân ngập lụt nghiêm trọng tại Đà Lạt, Phú Quốc
Hình ảnh đường Hàm Nghi nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng bị ngập cuối năm 2018. Ảnh: Quang Hải
Phát triển quá nóng
Đà Lạt là TP cao nguyên, địa hình dốc, đồi núi nên rất dễ thoát nước. Ấy vậy mà giờ đây, những trận mưa lớn đang trở thành… nỗi ám ảnh của người dân nơi TP mộng mơ. Minh chứng, ở cao điểm đợt lũ ngày 8/8 vừa rồi, cường độ mưa ở Đà Lạt không lớn nhưng kéo dài đã khiến ngập úng cục bộ tại khu vực Mạc Đĩnh Chi, Cam Ly và một số tuyến đường ở trung tâm TP. Không chỉ đợt này, trong những năm qua, tình trạng ngập cục bộ tại TP Đà Lạt đã xảy ra khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Dọc 20km thuộc bãi Trường, Phú Quốc đang có gần 100 dự án bất động sản nằm san sát nhau. Tại bãi Dài và bãi Gành Dầu, có khoảng trên dưới 10 dự án đã và đang xây dựng. Mỗi dự án tại các bãi tắm này đều rộng cả trăm hecta, dự án này nối tiếp dự án kia nằm ven bờ biển, cản đường thoát lũ là một trong những nguyên nhân khiến trận lụt lịch sử ở Phú Quốc càng thêm tồi tệ.

Các chuyên gia cho rằng, Đà Lạt bị ngập úng, chịu tác động của mưa lũ trước hết do nạn phá rừng. Cụ thể, diện tích rừng thông ở Đà Lạt đã bị tàn phá hơn một nửa trong 40 năm qua để nhường chỗ cho đất sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, năm 1978, TP Đà Lạt có 30.000ha rừng thông thì nay chỉ còn 14.000ha. Một nguyên nhân khác là do sự phát triển thiếu kiểm soát của hệ thống nhà kính tại TP Đà Lạt. Cả Đà Lạt hiện có hơn 5.000ha canh tác trong nhà kính, phủ hơn một nửa diện tích 10.000ha ở đây. Trong vòng 5 năm qua, số lượng nhà kính tại Đà Lạt đã tăng gấp 5 lần. Hệ thống nhà kính lớn khiến việc thẩm thấu nước bị thay đổi theo hướng tiêu cực. Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh – nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng cho rằng, bình thường không có những nhà kính thì lượng nước mưa rải đều trên bề mặt. Còn hiện nay, nhà kính san sát nên nước mưa không ngấm xuống đất mà theo mái để chảy thành dòng, lênh láng trên mặt đường, từ cao đổ xuống thấp gây ngập và sạt lở ở vùng thấp là điều khó tránh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, khu vực trung tâm TP Đà Lạt hiện ken cứng nhà cao tầng, nhà hộp, khắp nơi bê tông hóa, mảng xanh ít dần khiến mất đi diện tích bề mặt để thẩm thấu nước. Nguyên nhân sâu xa do việc cấp phép xây dựng thiếu quy hoạch và quy củ. Hệ quả là Đà Lạt đang phải gánh chịu tình trạng ngập úng như hiện nay.

Tương tự, tại Phú Quốc những ngày qua đã chứng kiến ngập sâu lịch sử 100 năm. Nhiều nơi ở đảo ngọc này ngập sâu tới 1m, bất chấp việc đảo được bao quanh bởi biển, vốn được mặc định là nơi thoát nước lũ dễ dàng. Cơn ngập lịch sử của Phú Quốc đặt câu hỏi lớn về những bất cập trong phát triển. Một số chuyên gia chỉ ra, Phú Quốc phát triển quá nóng, dẫn tới hạ tầng không đồng bộ. "Xây nhiều resort bám biển, Phú Quốc đã kiểm soát được hệ thống thoát nước của các khu vực đó kết nối chưa, hay chính các resort cản trở thoát lũ ra biển" - nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề.

Quy hoạch thiếu bền vững

Với người dân Đà Nẵng, trận ngập lịch sử vào cuối năm 2018 vừa qua là nỗi ám ảnh thực sự. Cụ thể, cơn mưa lớn từ đêm 8/12/2018 khiến Đà Nẵng ngập cục bộ nhiều tuyến đường, nhiều khu vực, có nơi ngập rất sâu khiến giao thông tê liệt, thiệt hại lớn về hoạt động kinh doanh buôn bán. Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch của TP Đà Nẵng có vấn đề khiến hạ tầng đô thị không đáp ứng nổi tốc độ phát triển nóng. Trả lời báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, KTS Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP Đà Nẵng cho rằng: “Với lượng mưa lớn như vậy thì bất kỳ đô thị nào cũng phải ngập, chứ không riêng gì Đà Nẵng. Cũng có thể hệ thống cống thoát nước chưa làm hết chức năng của mình khiến Đà Nẵng ngập nặng”.

Trong khi đó, một kỹ sư xây dựng ở Đà Nẵng (xin giấu tên) chia sẻ, mấu chốt vẫn là quy hoạch, đô thị hóa quá nhanh, thiếu bền vững khiến đô thị Đà Nẵng không còn công viên, ao hồ thì ngập là điều khó tránh khỏi. Cho dù có xây hệ thống cống cho thật to, nạo vét sông cho thật sâu, nếu mưa lớn, gặp đỉnh triều cường thì cũng khó có thể thoát nước nhanh được.

Một thực tế hiện nay là đô thị Đà Nẵng đang ngày càng bộc lộ sự quá tải, nhiều bất cập. Dân số tăng, các phương tiện giao thông cũng tăng theo đột biến khiến hạ tầng giao thông Đà Nẵng đang như “một chiếc áo chật”. Quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ nên đã lộ rõ nhiều điểm nghẽn trong đô thị. Đà Nẵng đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch chung này không phải là “liều thuốc tiên”, kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị Đà Nẵng, mà chỉ để rà soát lại toàn bộ quy hoạch cũ để điều chỉnh những bất cập.

Bên cạnh rác, rác thải, nước thải cũng là vấn đề “nóng” của TP Đà Nẵng hiện nay. Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng, hệ thống thu gom nước thải quá tải tại một số khu vực phát triển nhanh; khu vực nông thôn phần lớn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa chung với thoát nước thải nên tồn tại tình trạng nước thải tràn ra biển (55 cửa xả ra sông, biển). Năm 2018, Đà Nẵng còn 12 điểm ngập úng.

Không riêng gì Đà Lạt, Đà Nẵng, nhiều đô thị lớn của nước ta hiện nay đang đối mặt với các vấn đề về giao thông ùn tắc, thoát nước kém, môi trường đô thị chưa đảm bảo… Tình trạng này xuất phát từ hạ tầng yếu kém cũng như công tác quy hoạch không theo kịp với sự phát triển của đô thị.