Ứng phó Covid-19, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngành Giáo dục Thủ đô đã có nhiều đổi mới tích cực trong công tác giáo dục của năm học 2019 – 2020. Học sinh Hà Nội tiếp tục giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Ngày 31/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Đến dự điểm đầu cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 có ý nghĩa quan trọng với ngành Giáo dục cả nước và Thủ đô Hà Nội, ghi nhận kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đến nay, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành Giáo dục Thủ đô liên tục được được mở rộng và không ngừng phát triển, đứng đầu cả nước với 2.792 trường mầm non, phổ thông, 2.111.600 học sinh, so với cùng kỳ năm trước tăng 44 trường, 67.594 học sinh.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thông tin: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP Hà Nội là 59,1%. 
Năm 2020, Hà Nội thành lập mới 44 trường ở các cấp học; thường xuyên quan tâm đầu đầu tư nâng cấp, cải tạo, chống xuống cấp cho các trường trên địa bàn TP, xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân và đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP Hà Nội là 59,1%. TP đã công nhận được 20 trường và phê duyệt Đề án trường chất lượng cao đối với 4 trường phổ thông ở các cấp học.
TP Hà Nội quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhà giáo; đổi mới trong dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức thi, tuyển sinh, kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tổ chức dạy học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục tiếp tục được quan tâm, tạo những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu đổi mới về GD&ĐT.
Học sinh Hà Nội tiếp tục giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng giải, với 15 giải Nhất, 44 giải Nhì, 44 giải Ba và 41 giải Khuyến khích. Tại các kỳ thi quốc tế, học sinh Thủ đô ghi dấu ấn với 338 giải và huy chương các loại.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10; có 338 lượt học sinh đạt từ 28,0 điểm, 2.084 lượt học sinh đạt từ 27,0 điểm, 169.915 lượt học sinh có tổng điểm 3 môn theo khối thi đại học đạt từ 15,0 điểm trở lên.
 Học sinh Hà Nội tiếp tục giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Năm học 2019-2020 là một năm học có nhiều đổi mới tích cực trong công tác giáo dục, đồng thời toàn ngành cũng phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức mới. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học trên toàn Thành phố. Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Hà Nội đã kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến. Đồng thời hỗ trợ 12 tỉnh bạn, chuyển tiếp phát sóng các chương trình học trên truyền hình.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, để triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo, Hà Nội xác định một số giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về GD&ĐT, đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập.
Ngành Giáo dục Thủ đô bảo đảm đội ngũ giáo viên đủ số lượng, đạt chuẩn nghề nghiệp, đồng bộ về cơ cấu và một bộ phận đạt trên chuẩn. Tiếp tục ban hành và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.
Cùng với đó là  tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học theo quy hoạch, bổ sung quỹ đất và sắp xếp lại các trường học trên địa bàn, nâng cao số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia....
TP Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa GD&ĐT, phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo, TP Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp các Bộ ngành sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về thiết bị tối thiểu, đồng bộ cho cả cấp học, có hướng dẫn định hướng để các địa phương chủ động rà soát, bố trí kinh phí đầu tư mua sắm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ và tránh lãng phí.
Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, nhiệm kỳ và thẩm quyền công nhận đối với hiệu trưởng các trường mầm non và phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; sớm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học tư thục. Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập. Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về việc hợp đồng nhân viên làm công tác chuyên môn trong các cơ sở giáo dục khi thành lập mới hoặc khi có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác chưa kịp thời tuyển dụng.