Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona (nCoV): Kiểm soát chặt, không để dịch lây lan

Công Thọ - Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona (nCoV) diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình hình đó, cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch Corona tại Việt Nam.

Khuyến cáo của Bộ Y tế. Nguồn: TTXVN
Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Theo thông tin cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, tính đến sáng 2/2, số ca mắc nCoV lên tới 13.964 ca, trong đó 13.794 ca, có 304 trường hợp tử vong, đều ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, tính đến nay, có 7 trường hợp mắc nCoV. Trong đó 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 bệnh nhân nam (sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ) quá cảnh tại sân bay Vũ Hán trên đường trở về Việt Nam, đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Với tinh thần chủ động, rất quyết liệt, đến nay ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh này. Nhưng chống dịch không thể chủ quan được, phải chủ động, đưa ra các phương án kể cả phương án xấu nhất thì mới sẵn sàng giảm thiểu thiệt hại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Trước diễn biến của dịch, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona (nCoV) gây ra, quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan. Theo đó, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống bệnh; chỉ đạo xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho Nhân dân.
Đặc biệt bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống theo phương châm "4 tại chỗ" gồm: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ và nhân lực tại chỗ. Yêu cầu xác định công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lưu ý thực hiện 6 nhóm nội dung. Trong đó, các cấp, các ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, MTTQ, các đoàn thể khẩn trương thực hiện quyết liệt, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp với quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Trong nỗ lực ứng phó với dịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã ký ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Mục tiêu của kế hoạch nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp số mắc bệnh và tử vong. Kế hoạch phân loại cấp độ dịch bệnh thành 4 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập; Cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn TP; Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên địa bàn TP trên 20 trường hợp mắc; Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc.
Ở mỗi cấp độ dịch bệnh, UBND TP lên kế hoạch chi tiết về các nội dung hoạt động gồm 4 nội dung: Công tác chỉ đạo kiểm tra; Công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh; Công tác truyền thông; Công tác hậu cần. UBND TP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ dịch bệnh nêu trên.
Tiếp đó, ngày 2/2, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng, chống trước diễn biến phức tạp mới của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên địa bàn Hà Nội. Theo đó yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đoàn thể, tổ chức, cá nhân thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, coi công tác phòng chống dịch bệnh như “chống giặc”, hạn chế thấp nhất tử vong, không để dịch lan rộng.
Không được phép tăng giá khẩu trang
Khi mà cả nước đang đồng lòng phòng, chống dịch bệnh do virus Corona (nCoV), với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ tới các bộ, ngành, vẫn còn những người trục lợi, găm hàng, tìm kiếm những đồng tiền bất chính. “Mọi người hãy qua thử mấy cửa hàng thuốc ở đường Hoàng Hoa Thám đi, ngay cổng Bệnh viện Phổi T.Ư ấy, họ bán ít nhất gấp 4 lần giá thường. Hồi chưa nghe có dịch chỉ 35.000 đồng/hộp khẩu trang, nay họ hét 230.000 đồng thậm chí 280.000 đồng/hộp” - chị Đỗ Thêm bức xúc trên một diễn đàn với hơn 65.000 người tham gia. Tương tự, chị Nguyễn Thanh Tâm (phường Láng Hạ, Đống Đa) chia sẻ: “Hôm nay, tôi mua 100.000 đồng/chiếc khẩu trang loại Hàn Quốc có chức năng phòng dịch”.
Với việc đội giá lên 4 - 5 lần bắt gặp ở nhiều cửa hàng, điểm bán khẩu trang. Nhưng, sự bức xúc có lẽ đạt đỉnh phải kể đến ở khu vực Sân bay Nội Bài. Đó là sự việc Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco) bán khẩu trang cho hành khách với giá 35.000 đồng/chiếc, trong khi, giá thông thường là 1.000 đồng/chiếc, tức đội giá lên 35 lần. Mặc dù sau đó, đại diện Taseco cho rằng, đây là sản phẩm gồm 1 set 2 chiếc, ấn định giá bán từ năm 2018 nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây là một hành vi vô cảm với cộng đồng khi dịch bệnh Corona đang ngày một diễn biến phức tạp.
Chỉ trong ngày 1/2, các lực lượng công an và đơn vị liên quan ở TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 16 cửa hàng kinh doanh vật tư y tế và 2 cá nhân có hành vi nâng giá bán khẩu trang, trong đó có 9 cửa hàng ở quận Đống Đa, 4 cửa hàng ở quận Ba Đình và một số quận, huyện khác.
Liên quan tới vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, TP về triển khai các Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, không được phép tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá, yêu cầu rút giấy phép bất kể hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang. “Người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, hiện nay, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng suất 32.000 chiếc/ngày. Năng suất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế theo dõi tình hình thị trường cung cầu trong nước về khẩu trang, nước sát trùng, nước súc miệng; quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đầu cơ, thu lợi bất chính.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế, sáng 2/2, Chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Mạnh Cường đã ký quyết định thành lập 4 đoàn công tác trọng điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa để kiểm tra, nắm tình hình phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới Corona gây ra. Trong đó, có bao gồm nội dung liên quan công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuốc, hóa chất, khẩu trang... phục vụ công tác phòng chống dịch.
Tạm dừng cấp phép mới cho lao động nước ngoài đến từ vùng có dịch
Chiều 2/2, Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Theo đó, trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV, dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người liên quan tới lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành; không tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên giao dịch việc làm... Những DN, đơn vị sử dụng lao động là người nước ngoài tại các địa phương tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động là người nước ngoài di chuyển qua các vùng trong thời gian công bố dịch nCoV. Cục Việc làm và sở LĐTB&XH, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế các địa phương tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV. (Oanh Trần)