Báo động về lượng khí nhà kính
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định: TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê KNK, tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải, ước tính đến năm 2020 phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2. Trong đó, phát thải KNK từ các bãi chôn lấp khoảng 2,35 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 57,97% tổng phát thải KNK trên địa bàn TP) là hạng mục phát thải KNK nhiều nhất. Đối với lĩnh vực năng lượng, ông Lê Tuấn Định dự báo, đến năm 2020, phát thải KNK trên toàn TP tăng lên đến 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng lên đến 42,7 triệu tấn (tức tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải năm 2015).
Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” do Hội đồng quốc tế về các sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI) sáng lập, được tài trợ bởi Bộ Môi trường và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMU) thông qua chương trình sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI). Dự án tập trung vào những TP lớn của các nước trong khu vực Đông Nam Á có nguy cơ bị tổn thương cao do biến đổi khí hậu, như: Indonesia, Philippines và Việt Nam, đưa ra kế hoạch hành động theo mục tiêu cụ thể. Đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương để xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai. Hà Nội là địa điểm đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn để triển khai. Tháng 10/2017, TP Hà Nội chính thức tham gia vào dự án này. Trong khuôn khổ thực hiện, dự án sẽ tập trung xây dựng những cam kết giảm thiểu KNK. |
Sử dụng đèn led công cộng giúp giảm 2 - 3 nguồn năng lượng tiêu thụ. |
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội đã và đang thực hiện xây dựng thêm 25 công viên và 25 hồ; xây dựng mới các khu tái định cư cho những hộ gia đình thuộc khu vực biến đổi khí hậu và thiên tại; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới một số công trình phòng chống thiên tai, cùng đó là những giải pháp sử dụng năng lượng hợp lý. Từ năm 2016, toàn bộ các công trình công cộng của TP đều được sử dụng đèn led, phấn đấu giảm 2/3 lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng công cộng. Đồng thời khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng...Tại hội thảo, bà Jiwon Lee – Ban Thư ký Thế giới Hội đồng ICLEI cũng cho biết, Seoul là đô thị đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công dự án của ICLEI. Trên cơ sở đó, bà đưa ra 5 nhóm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu có thể áp dụng với Hà Nội, đó là: Năng lượng và tái sử dụng tài nguyên; Quy hoạch đô thị, giao thông, cấp thoát nước; Công tác quản lý chất lượng không khí; Sức khỏe cộng đồng, an toàn từ thảm họa khí hậu; Đô thị và nông nghiệp sinh thái.