Ứng phó với giá phân bón tăng cao

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, nông dân Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp thích ứng nhằm kéo giảm chi phí đầu vào, duy trì sản xuất.

Vụ Xuân năm 2022, gia đình bà Đặng Thị Biên, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai cấy 7 sào lúa. Nếu như mọi năm, gia đình bà tiến hành bón lót phân lân trước khi cấy thì năm nay, bà chuyển sang bón lót cho lúa bằng phân chuồng.

“Giá phân bón tăng, tôi chỉ mua một lượng ít phân lân, còn phân đạm và phân kali chờ đến khi nào lúa có đòng mới mua. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tôi đã ủ thêm phân chuồng để bón" - bà Biên chia sẻ.

Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số địa phương khác cho thấy, do giá phân bón tăng cao khiến nhiều hộ dân phải tính toán kỹ trong việc canh tác. Một số hộ đã cắt giảm phân hóa học hoặc chuyển phần lớn sang phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư.

Cùng với đó, bà con ở các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm lượng phân bón trên đồng ruộng như: Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm - 3 tăng" (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả).

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường khuyến cáo, bà con nên sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng liều lượng, kỹ thuật theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển từng loại cây trồng. Đồng thời tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng để vừa giúp cải tạo đất, vừa giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm năng suất.

Để hỗ trợ nông dân trước tình trạng giá vật tư biến động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp.

Trước hết là tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân liên kết tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Ngoài ra, tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao.