Ứng phó với phòng vệ thương mại: Đừng để mạnh người yếu ta

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết của các hiệp định thương mại (FTA), số lượng vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) sẽ ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi DN phải chủ động ứng phó để bảo vệ chính mình và các ngành hàng sản xuất nội địa.

12 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Trong 9 tháng năm 2020, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019. Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Australia với 62% các vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Tuy nhiên, gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra PVTM với Việt Nam, với tỷ lệ đã tăng lên 20%.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những lựa chọn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất lúc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bước vào giai đoạn thực thi.
 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Hải Phòng. Ảnh: Chiến Công
Tuy nhiên, xuất khẩu tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam dễ bị theo dõi, bổ sung điều tra, các sản phẩm bị kiện ngày càng mở rộng ở nhiều ngành hàng. Các hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Nhôm, thép, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng... Tính từ vụ việc đầu tiên năm 2003 đến nay, các vụ việc bị khởi xướng điều tra đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng tới 12 tỷ USD.

Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng lý giải, với hiệp định thương mại tự do có mức độ cắt giảm thuế quan cao thì áp lực cạnh tranh đối với các DN Việt Nam trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn. Đơn cử, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ về mức 0%, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc PVTM giữa 2 bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu.

Phân tích việc cần thiết phải thực hiện các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn chứng, năm 2018, trong số 20 DN sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam, có tới 18 DN thua lỗ do không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, sau một năm điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này, đa số các DN trong nước đã cải thiện được hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ còn khoảng 3 - 4 DN bị lỗ lũy kế.

Nắm chắc quy định, chủ động ứng phó

Thực tế cho thấy, các cơ chế tiến hành PVTM theo từng FTA đã có nhưng vấn đề là các DN, hiệp hội ngành hàng phải chủ động nắm bắt, hiểu rõ quy định để áp dụng. Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý, DN cần nắm bắt kịp thời thông tin các biểu hiện gian lận thương mại trong lĩnh vực của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phân tích, đánh giá tác động. Từ đó cùng các cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sự phát triển của các ngành sản xuất trong nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM, các DN cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể: Phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá; coi PVTM là một phần phải chuẩn bị trong chiến lược sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, DN cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ DN thông qua nhiều hoạt động như cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện, cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc, tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, do các lợi ích EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số DN tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động PVTM cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này. Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với hàng hóa nhập khẩu cũng có tác động tích cực khiến các thị trường nhập khẩu hàng hóa tương tự đó hạn chế kiện phòng vệ với hàng xuất đi từ Việt Nam.

"Việc ra đời dự thảo Đề án nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới là hết sức cần thiết để đề xuất mô hình cơ quan PVTM phù hợp với xu hướng thế giới. Đây là cơ sở để xác định vai trò cơ chế phối hợp của các cơ quan chuyên trách về PVTM và các cơ quan có liên quan nhằm tăng cường công tác PVTM trong bối cảnh hội nhập, bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất nội địa." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng


"Để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện PVTM, các DN cần thường xuyên liên lạc với VCCI, Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu. Qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài." - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang


"Việc thuê luật sư, văn phòng luật giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường ngay tại nước khởi xướng các vụ việc PVTM đã giúp các DN xuất khẩu thủy sản đương đầu với những điều khoản, yêu cầu của nước nhập khẩu. Một yếu tố quan trọng nữa là phải kiên trì theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá, bởi nếu bỏ cuộc cũng đồng nghĩa bỏ thị trường lớn." - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe