Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng viên ĐBQH hứa nỗ lực hành động chống oan sai, tham nhũng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Luật sư Nguyễn Chiến (Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) người ứng cử ĐBQH có chương trình hành động với quyết tâm chống oan sai trong tư pháp và chống tham nhũng.

Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 6 (các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa) gồm các ứng viên: ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban KHCN và Môi trường của QH; bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; ông Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà; ông Phan Xuân Tuy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học an ninh (Học viện An ninh Nhân dân).
 5 đại biểu ứng cử ĐBQH khóa XIV được phân công ứng cử tại đơn vị bầu cử số 6 (các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa)
5 đại biểu ứng cử ĐBQH khóa XIV được phân công ứng cử tại đơn vị bầu cử số 6 (các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa).
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam  - ông Nguyễn Văn Chiến trình bày chương trình hành động với rất nhiều vấn đề cốt lõi được cử tri quan tâm. Cụ thể, về tình hình tư pháp với nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai.

Luật sư cam kết: Giám sát trong tư pháp để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng “chống án oan” và “giảm án sai” trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Đồng thời, sẽ đặc biệt quan tâm trợ giúp pháp lý miễn phí cho dân nghèo, đối tượng chính sách như gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thương bệnh binh, người già cô đơn, trẻ em và phụ nữ bị bạo lực gia đình...

Ông cũng bày tỏ mong muốn có sự phối hợp thường xuyên với Hội Người cao tuổi, Hội Cựu Chiến Binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên địa phương để trợ giúp pháp lý hiệu quả, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
 
Tại địa bàn Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên (đơn vị bẩu cử số 6) còn có những hạn chế trong quản lý và phát triển như: Các huyện xa trung tâm của Thủ đô, nhiều tuyến đường dang dở, các dự án chậm tiến độ, dòng sông bị ô nhiễm nặng, hiện tượng thiếu nguồn nước sạch, nước sinh hoạt bị nhiễm Asen… cử tri mong khi đại biểu trúng cử sẽ giúp dân sớm giải quyết những vấn đề trên.

Trước mong muốn trên, Luật sư Chiến cam kết, là nhịp cầu nối giữa cử tri và Quốc hội, ông sẽ lắng nghe cử tri một cách nhanh nhất và thấu đáo nhất. 

“Số điện thoại di động của tôi chính là “đường dây nóng”, làm cầu nối để bà con cử tri tiếp cận với người đại diện của mình. Bên cạnh đó đặc thù của luật sư là có văn phòng riêng, Công ty luật Nguyễn Văn Chiến sẽ là “Văn phòng của cử tri” - nơi hội tụ, tiếp nhận đơn thư, thu nhận ý kiến phản ảnh của cử tri địa phương đến với cơ quan chức năng có thẩm quyền và Quốc hội”, ông Chiến cam kết.

Tại hội nghị, các cử tri cũng nên băn khoăn về việc chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chất vấn ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Thế Nghĩa (Hội cựu chiến binh xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nói: Trong phát biểu của mình tại kì họp thứ XI, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Lê Lai từng gửi gắm về đại biểu QH khóa sau: Làm sao chống cho được tham nhũng và bảo vệ cho được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai việc đó, cử tri sẽ không quên người đại biểu của dân”.

Trước vấn đề đó, luật sư Nguyễn Chiến cam kết: “Chống tham nhũng là trăn trở lớn của bản thân tôi. Nếu trúng cử, tôi tham gia phòng chống tham nhũng bằng cánh đóng góp những tâm huyết vào xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; giám sát sát về tham nhũng trong các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân…; góp ý kiến phản biện vào những vấn đề trọng đại của đất nước để phòng ngừa tham nhũng; đóng góp ý kiến để xây dựng một thể chế độc lập phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn”…
 
Vấn đề chủ quyền biển đảo là vấn đề toàn dân quan tâm, ông cùng đội ngũ luật sư sẽ tiếp tục nghiên cứu pháp luật Quốc tế về vấn đề biển Đông, phát triển nhóm luật sư đưa ra quan điểm bảo vệ Biển Đông, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với các lập trường chính đáng của Việt Nam về Biển Đông…

Tại hội nghị, trình bày Chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu QH khóa XIV, cả 5 ứng cử viên đều cam kết sẽ thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của cử tri, dành nhiều thời gian đi thực tế nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Chia sẻ với cử tri, ứng cử viên Lê Vĩnh Sơn hứa sẽ tích cực có tiếng nói để tham gia vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ứng viên Trần Thị Quốc Khánh cho biết, theo Luật Tổ chức QH, ĐBQH hoạt động chuyên trách phải làm việc 100% thời gian ở QH, làm rất nhiều việc, từ lập pháp, giám sát tối cao, đến quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. “Ba việc lớn như thế nếu không đi tiếp xúc cử tri, không gắn với cử tri thì QH không làm được”, bà Khánh nêu.

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lan trăn trở về một nền nông nghiệp sạch, vấn đề an toàn thực phẩm của người dân. Ông Phan Minh Tuy trăn trở về chế độ cho công an xã và các việc làm còn dang ở của Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội khóa XIV.

Sau khi nghe các ứng cử viên phát biểu, cử tri huyện Mỹ Đức mong muốn các đại biểu trúng cử sẽ thực sự là người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của nhân dân, quan tâm giải quyết các vấn đề quan trọng của địa phương.