Ứng viên không được “dụ dỗ, mua chuộc” cử tri

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/2, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn cách tiến hành giới...

Kinhtedothi - Ngày 24/2, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội Khóa XIV đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư.

Giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội theo 3 bước

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, theo quy định của pháp luật, trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐB Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư để tiến hành giới thiệu người ra ứng cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết: Việc giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành từ ngày 24/2 - 10/3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử ĐB Quốc hội thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử theo 3 bước. Bước 1, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ra ứng cử ĐB Quốc hội. Bước 2, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử. Bước 3, trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử ĐB. Căn cứ vào kết quả hội nghị, ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được lựa chọn, giới thiệu ứng cử ĐB Quốc hội làm hồ sơ ứng cử theo quy định.

Chậm nhất là ngày 13/3, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ĐB Quốc hội, để đến ngày 15/3, đưa vào danh sách hiệp thương. Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16 - 18/3.

Không có quy định về vận động qua mạng

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị về việc làm sao để khuyến khích được những ứng cử viên có đức, có tài làm ĐB Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng: Vấn đề này không nằm trong hướng dẫn. Đây là dành cho những cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử. Người tự ứng cử nếu có đủ điều kiện ứng cử sẽ nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử cấp tỉnh mà Thường trực là Sở Nội vụ. Nếu Ủy ban bầu cử cấp tỉnh thấy đủ điều kiện để ứng cử sẽ chuyển hồ sơ đó sang Ủy ban MTTQ cấp tỉnh. Và Ủy ban MTTQ cấp tỉnh nếu thấy có đủ điều kiện sẽ đưa vào danh sách để hiệp thương.

Về câu hỏi, trong hồ sơ ứng cử phải có bản kê khai tài sản, vậy có việc giám sát kê khai trung thực ngay từ ban đầu, ông Nguyễn Văn Pha cho biết: Bất cứ ai khi đã kê khai những vấn đề liên quan đến mình như tài sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản kê khai đó. “Không phải kê khai xong rồi là xong, mà bản kê khai sẽ theo người đó đến hết nhiệm kỳ, nên họ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý về nội dung bản kê khai đó. Nhưng nếu có những khiếu nại tố cáo kiến nghị của cử tri về bản kê khai tài sản của người đó thì đương nhiên Mặt trận sẽ yêu cầu xác minh. Còn quy trình xác minh thì trong quy định của pháp luật đã có rồi” - ông Kha nêu.

Trả lời về việc vận động bầu cử làm thế nào để bảo đảm công bằng giữa các ứng viên, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng: Việc vận động bầu cử phải theo quy định của pháp luật. Việc vận động bầu cử ở Việt Nam khác với những nước khác là phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức. Trong một hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử chỉ được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử về cơ bản là như nhau; người ứng cử không được hứa những thứ không đúng, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri… “Hiện nay không có quy định nào về việc vận động qua mạng. Các hình thức vận động là qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức và qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống” - ông Kha khẳng định.