70 năm giải phóng Thủ đô

Ứng xử ra sao với rác thải nhựa?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Rác thải nhựa là một trong những tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái… Song, nếu được thu gom, phân loại theo đúng quy định thì rác thải nhựa sẽ trở thành một nguồn tài nguyên quý giá, là nguyên liệu cho các hoạt động khác… Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường về những tác động của rác thải nhựa với cuộc sống.

Những hệ lụy khôn lường
Theo công bố gần đây của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Thậm chí, mỗi phút trôi qua sẽ có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ 27% trong số này được xử lý và tái chế. Tại Việt Nam, thống kê được đưa ra tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 cũng khiến không ít người giật mình khi Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
 Theo thống kê của Liên Hợp Quốc mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt đô thị hiện đạt khoảng 85,5% (khoảng 32.000 tấn/ngày) do các công ty môi trường đô thị thực hiện, ngoài ra còn có hệ thống thu gom không chính thức (những người mua bán đồng nát, ve chai); còn tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở nông thôn từ 45 - 55% (khoảng 14.200 tấn/ngày) lượng rác còn lại được vứt bỏ trên đường, dòng sông, cánh đồng hoặc các bãi tập kết rác tự phát. Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong tổng khối lượng rác thải phát sinh, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm từ 12 - 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ (từ 55 - 68%), song lượng rác thải nhựa được phân loại để xử lý, tái chế theo quy định hiện rất thấp, chủ yêu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt hoặc thải thẳng ra môi trường.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Mạnh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, một chai nhựa sẽ cần từ 450 - 1.000 năm, một bao nhựa là 10 - 100 năm và chai chất tẩy rửa là 500 - 1.000 năm để phân hủy hết trong môi trường biển… Và trong khoảng thời gian này, nhựa nano và hạt vi nhựa đã không ngừng tấn công hệ sinh thái gây ảnh hưởng đến môi trường sống, gây ra những cái chết vô cùng đau đớn với các loài động vật biển như, chim, cá…
Rác thải nhựa không phải là đồ bỏ đi
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, chúng ta cần giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần, phân loại rác thải tại nguồn, tăng khả năng tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tập trung phát triển các công nghệ tái chế túi ni lông, rác thải nhựa… Đồng thời, cần nghiên cứu, chế tạo các chất phụ gia phối trộn vào nguyên liệu dùng để sản xuất các loại túi nhựa nhằm giảm thời gian phân hủy của rác thải nhựa.
 Rác thải sẽ biến thành tài nguyên nếu được phân loại đúng quy định. Ảnh minh họa.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP Hồ Chí Minh (VSPA) Trần Việt Anh cho biết, thành phần chất thải sinh hoạt của người dân sống ở các TP lớn, khu công nghiệp đang thay đổi theo hướng gia tăng thành phần giấy, kim loại… giảm chất thải thực phẩm. Do đó, nếu cứ áp dụng biện pháp xử lý đơn giản là chôn lấp thì một lượng lớn tài nguyên như giấy, kim loại, nhựa… sẽ tiếp tục bị lãng phí, bị chôn vùi dưới lòng đất. Từ thực tế trên, chúng ta cần phải triển khai ngay biện pháp phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, nghiên cứu triển khai, áp dụng các biện pháp, công nghệ, xử lý rác thải nhựa tái chế, để biến rác thành một nguồn tài nguyên, nguyên liệu phục vụ các loại hình sản xuất khác.
Dẫn chứng về biện pháp này, các chuyên gia cho hay, hiện nay, ngành tái chế phế thải ở Mỹ mỗi năm đem về doanh thu trên 90 tỷ USD. Không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nó còn có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của nước Mỹ. Tương tự, tại Trung Quốc ngành tái chế phế thải giúp nước này kiếm hàng trăm tỷ USD mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng vạn người từ việc nhập và tái chế phế thải của các nước trên thế giới. “Mặc dù, chúng ta khó có thể so sánh với Mỹ, Trung Quốc hay các nước phát triển trên thế giới về công nghệ xử lý rác thải tái chế vào thời điểm này, song đây là hướng đi hợp lý trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải tái chế” – một chuyên gia nêu vấn đề.
Cần có sự chung tay của toàn xã hội
Được biết, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Thực hiện Chỉ thị này, các đơn vị có liên quan đang hoàn thiện chế tài quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý…
 Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, biện pháp phân loại rác thải tại nguôn là hết sức cần thiết. Trong ảnh, một chương trình đổi rác lấy quà tặng trên địa bàn TP Hà Nội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện Chỉ thị trên, đặc biệt là nội dung phân loại rác tại nguồn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Cao Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội – đơn vị tiên phong tổ chức phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP cho biết, mặc dù rất hấp dẫn, nhưng đây là ngành nghề kinh doanh mới nên cách thức tính thuế, viết hóa đơn cần chờ hướng dẫn của cục thế và cơ quan chuyên môn... khiến nhiều DN chưa mạnh dạn đi sâu vào lĩnh vực này.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã quy định khá đầy đủ về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt, nhưng lại quy định giao cho địa phương tùy vào đặc thù của mình để hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phân loại, thu gom xử lý rác thải. Điều này dẫn đến tình trạng nơi thực hiện việc phân loại và thu gom, có nơi lại không. Thậm chí, không thực hiện thì cũng không sao... khiến công tác phân loại rác thải rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”, người dân không mặn mà với chương trình này.
Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, đồng thời biến rác thành tài nguyên theo đúng tinh thần Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ thì mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần khẩn trương vào cuộc, có biện pháp hỗ trợ các đơn vị tham gia công tác phân loại rác tại nguồn, tái chế, biến rác thải thành tài nguyên.

Theo thống kê, các quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhiều nhất (số tấn rác thải nhựa không được xử lý đổ ra môi trường nước mỗi năm), đứng đầu là Trung Quốc 8,8 triệu tấn; thứ 2 là Indonesia (3,2 triệu tấn), thứ 3 là Philippines (1,9 triệu tấn) và thứ 4 là Việt Nam (1,8 triệu tấn). Lần lượt xếp sau Việt Nam trong top 10 là Srilanka (1,6 triệu tấn), Ai Cập và Thái Lan (1 triệu tấn), Malaysia và Nigeria (0,9 triệu tấn), Bangladesh (0,8 triệu tấn), Brazil (0,5 triệu tấn) và Mỹ là 0,3 triệu tấn.