Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2009 - 2013, Unilever Việt Nam có hoạt động đầu tư mở rộng nhưng không nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh.
Unilever Việt Nam hiện là một trong những DN FDI hàng đầu Việt Nam về doanh thu
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2009 - 2013, Unilever Việt Nam có đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định. Từ đó dẫn tới tình trạng thiếu thuế. Cũng theo Tổng cục Thuế, quãng thời gian trên, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập DN với các hoạt động đầu tư mở rộng. Vì vậy, Unilever Việt Nam phải có trách nhiệm nộp các khoản thuế truy thu, nộp phạt vi phạm hành chính và khoản thuế chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Đơn vị quản lý thuế Nhà nước cũng cho biết, Unilever Việt Nam sẽ được xác định lại giá trị các hoạt động đầu tư mở rộng. Nếu kết quả xác định lại làm giảm số thuế thu nhập DN đã nộp thấp hơn số thuế đã truy thu năm 2015, phần tiền vượt sẽ được chuyển khấu trừ cho kỳ tính thuế tiếp theo hoặc hoàn lại. Nếu kết quả rà soát làm tăng số thuế phải nộp so với số đã truy thu thì DN phải nộp bổ sung. Tình trạng lách, né, trốn thuế với đủ các chiêu trò luôn là mảng tối ở các DN có vốn FDI như Unilever Việt Nam trong những năm trở lại đây và số tiền này đều ở con số rất lớn. Tiêu biểu như năm 2015, Honda Việt Nam đã bị truy thu thuế lên đến 297 tỷ đồng.