Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ươm mầm những tài năng người dân tộc thiểu số

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/10, Ban Dân tộc TP Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên (HS, SV) dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm 2017.

Những tấm gương vượt khó
Nằm giữa lưng chừng núi Ba Vì, ngôi nhà nhỏ của gia đình em Đinh Thị Thu Trang cũng tuềnh toàng như bao nơi trú ngụ của đồng bào dân tộc Mường xã Minh Quang. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn. Bản thân Trang ngày ngày ngoài giờ lên lớp vẫn phải dành phần nhiều thời gian phụ giúp bố mẹ làm nương, rẫy. Dù vậy, 9 năm học đã qua, cô HS lớp 10A4 trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội đều đạt HS giỏi. Niềm vui lớn hơn là trong kỳ thi HS giỏi cấp TP môn Ngữ văn vừa qua, Thu Trang đã khiến người thân hết sức vui mừng khi xuất sắc giành giải Nhì.
 Lãnh đạo Ban Dân tộc TP Hà Nội tặng giấy khen cho các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2017
Thuộc diện hộ nghèo nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình em Phạm Thị Phương, quê huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đã có lần em nghĩ đến chuyện nghỉ học để cậu em trai được đến trường. Với sự giúp đỡ của nhà trường, Phương được chuyển xuống Hà Nội, tiếp tục theo học tại trường Hữu nghị 80. 11 tuổi đã phải xa gia đình, nhưng Phương vẫn nỗ lực học tập, rèn luyện. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, bố mẹ Phương mừng rỡ khi nghe tin cô con gái đã giành được 30,5 điểm, qua đó xuất sắc trúng tuyển trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Trang và Phương chỉ là 2 trong số 141 HS, SV dân tộc tiêu biểu được tuyên dương tại buổi lễ sáng 22/10, nhờ những thành tích xuất sắc trong năm học 2016 - 2017. Mỗi em thực sự là một tấm gương vượt khó, nỗ lực không ngừng, những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa tươi đẹp của tuổi trẻ học đường Thủ đô.
Tiếp tục chăm lo cho thế hệ trẻ
Những năm qua, công tác dân tộc, trong đó có lĩnh vực giáo dục trên địa bàn Hà Nội được TP đặc biệt quan tâm. UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND giai đoạn 2010 - 2015, trong đó dành hơn 600 tỷ đồng để đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Tiếp nối hiệu quả đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, TP đã và sẽ tiếp tục bố trí khoản kinh phí 328 tỷ đồng theo Kế hoạch số 138/KH-UBND để triển khai 35 dự án trường học. Công tác xã hội hóa đầu tư cho giáo dục ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện giảng dạy, học tập, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc…
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng dân tộc và miền núi luôn được chú trọng. Chế độ, chính sách của T.Ư và TP đối với cán bộ, giáo viên và HS, SV vùng dân tộc được thực hiện đầy đủ. Việc tuyển sinh HS vào lớp 6 và lớp 10 tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội được xét tuyển công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Chế độ cử tuyển được đảm bảo. Đến nay, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học và THCS vùng đồng bào dân tộc đạt 100%. Số HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm 2017 đạt trên 90%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt gần 82%.
Theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, sự quan tâm, đầu tư phát triển GD&ĐT ở vùng dân tộc miền núi của Hà Nội đã tác động trực tiếp tới nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của các cấp, ban ngành, của các dòng họ, trong mỗi gia đình; từ đó khơi dậy ý thức vươn lên trong học tập của các em. Ông Vinh mong muốn các em HS, SV sẽ “không tự bằng lòng”, thay vào đó, cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phấn đầu học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi, những công dân tốt của Thủ đô.
Ban Dân tộc TP và các sở, ngành của Hà Nội cần tiếp tục làm tốt công tác đổi mới giáo dục toàn diện; chú trọng xã hội hóa giáo dục nhằm cải thiện điều kiện giảng dạy - học tập vùng đồng bào dân tộc. Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực, phấn đấu để mỗi trường học trở thành một “địa chỉ đỏ”, nơi nuôi dưỡng tài năng, ươm mầm sáng tạo, tạo điều kiện tốt nhất để các em trở thành người có ích…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng