Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam do USAID tài trợ tổ chức Hội thảo Quốc gia kéo dài hai ngày về “Giải pháp Năng lượng sạch tại các đô thị - Hướng tới phát thải ròng bằng không của Việt Nam” ngày 9-10/6 tại Nha Trang với sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện từ các cơ quan Chính phủ, đại diện Sở Công Thương từ 20 thành phố trực thuộc trung ương và thành phố lớn, các dự án năng lượng do USAID tài trợ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp khối tư nhân, các nhà đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng, các trường đại học, viện nghiên cứu và hiệp hội.
"USAID, với hỗ trợ từ các đối tác phát triển khác, sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực đạt được mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050,” bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, phát biểu tại sự kiện. Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, cũng cho biết: “Tăng cường triển khai các giải pháp năng lượng sạch và những tiến bộ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đem đến những cơ hội lớn để xây dựng một ngành năng lượng bền vững và đáng tin cậy, giúp đảm bảo tăng trưởng xanh và thúc đẩy sự bền vững về môi trường".
Trong những năm gần đây, nhu cầu điện ở Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%/năm, góp phần làm gia tăng lượng khí thải và biến đổi khí hậu. Mọi người ngày càng nhận thức rõ rằng cần có các nguồn năng lượng sạch hơn, đáng tin cậy hơn và nguồn đầu tư tài chính lớn hơn cho lĩnh vực năng lượng. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), Việt nam đã tuyên bố đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% bằng nguồn lực trong nước và 27% với sự hỗ trợ quốc tế vào năm 2030, theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).
Phù hợp với các quy định của quốc gia, các thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch cấp thành phố khác nhau nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch và chồng chéo giữa các quy định của quốc gia và thành phố có thể tạo ra các rào cản đối với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng sạch và giảm phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu chính của Hội thảo quốc gia lần này là nhằm nâng cao nhận thức về các bài học và kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến; nâng cao nhận thức về các quy định và khuôn khổ pháp lý hiện hành và sắp ban hành liên quan đến việc phát triển và triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến; thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các bên liên quan của khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách liên quan đến năng lượng tiên tiến, phân tán; thúc đẩy và củng cố mạng lưới hiện có của các bên liên quan hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tiên tiến, phân tán.
Trong hai ngày hội thảo, các chuyên gia từ các tổ chức và lĩnh vực khác nhau đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học và thực hành tốt nhất liên quan đến việc phát triển và triển khai năng lượng phân tán, tiên tiến.
Thực tế, Đà Nẵng được đánh giá là một trong những thành phố thông minh, xanh và năng động bậc nhất Việt Nam. Đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng hiệu quả tiên tiến sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, thu hút đầu tư xanh và trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân với môi trường sống trong sạch hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp này cũng sẽ góp phần giảm thiểu trong dài hạn các tác động của biến đổi khí hậu đối với thành phố và người dân. Chính quyền thành phố Đà Nẵng có cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và triển khai các dự án về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời cũng đặt ra các ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả với chỉ tiêu và các kế hoạch hành động cụ thể như Kế hoạch hành động Phát triển Điện mặt trời áp mái, Kế hoạch hành động Phát triển Năng lượng tái tạo, và Đề án phát triển trạm sạc xe điện và Kế hoạch hành động về hiệu suất và bảo tồn năng lượng. USAID hiện đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Công Thương TP Đà Nẵng để triển khai các chiến lược này, trong đó bao gồm (1) Thành lập nhóm làm việc về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ Sở Công Thương cũng như công ty điện lực trong việc cải thiện khả năng thích ứng năng lượng đô thị và an ninh năng lượng; (2) Thành lập Giải thưởng về Hiệu suất năng lượng để chính quyền thành phố ghi nhận những doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả; và (3) Thực hiện một nghiên cứu đánh giá các quy định, chính sách và cơ chế ở cấp quốc gia và cấp địa phương để triển khai và thực thi Kế hoạch Hành động sử dụng năng lượng hiệu quả giai đoạn 2020-2030.
Trong 5 năm qua, USAID đã cung cấp 34,5 triệu đô la hỗ trợ lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và dự định sẽ cam kết thêm 36 triệu đô la trong 5 năm tới.