Vì vậy tại Hà Nội, ngành chức năng đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới các cơ sở xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và HS.
Tiềm ẩn nguy cơ Sự mất an toàn cho HS trong trường học không chỉ xảy ra ở những xã, huyện khó khăn mà ngay cả các quận, TP lớn, cơ sở vật chất cũng xuống cấp khiến nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ trong thời gian ngắn, trên phạm vi cả nước đã xảy ra hàng chục tai nạn học đường, từ sập trần nhà đến sập trường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng HS. Ngoài vụ 13 HS ở Bắc Ninh phải cấp cứu do sập lan can, tháng 8 vừa qua, 10 HS trường THCS & THPT Đống Đa (Đà Lạt) cũng bị thương do phòng học bất ngờ bị sập. Câu chuyện trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mới đây khuyến cáo HS đội mũ bảo hiểm trong lớp vì lo sập trần nghe như chuyện khôi hài, nhưng là có thật. Tương tự, không ít trường học trên địa bàn TP cũng đang đối mặt trước nguy cơ mất an toàn bởi cơ sở vật chất xuống cấp.
|
Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) xuống cấp. Ảnh: Trung Đức |
Trường THCS Sơn Công, huyện Ứng Hòa là một trong những ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng. Phòng làm việc của Hiệu trưởng chung với Hiệu phó và giáo viên. Các phòng chức năng, thư viện, thiết bị… đều trong tình trạng có cũng như không, trong đó bi đát nhất là phòng y tế bởi mưa thì dột, nắng thì mặt trời rọi vào, cán bộ y tế phải di tản đủ mọi chỗ. Nhiều trường học khác trên địa bàn TP cũng đang xuống cấp ở mức báo động như trường THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) bị thấm dột ở hầu hết các phòng học, vữa tường, bong tróc. Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) trong tình trạng ẩm mốc, sân trường úng ngập. Trường Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh), thì thầy và trò vừa học vừa lo bị điện giật do đường điện lâu ngày đã ải, mưa dột tong tong trong lớp…
Trước tình trạng gia tăng số vụ tai nạn trong trường học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT, trường học rà soát, kiểm tra độ an toàn của toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy, học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của HS, SV như phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường rào, lan can… Đồng thời, nhắc nhở HS phổ thông không nô đùa, chạy nhảy ở hành lang các tầng cao, leo trèo tường rào, lan can…
Đẩy nhanh tiến độTrên địa bàn Hà Nội, cơ sở vật chất nhiều trường đang xuống cấp trầm trọng, thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các cơ quan quản lý. Và đây cũng là vấn đề được lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm.
Theo kế hoạch trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) với kinh phí 54 tỷ đồng sẽ được triển khai vào quý I/2018, tuy nhiên, trước nguy cơ mất an toàn đối với HS, dự án đã được đẩy nhanh tiến độ. Ông Trần Thanh Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dự án nâng cấp khu hiệu bộ và xây lại số phòng học đã được TP ký phê duyệt và cấp vốn. Hiện nhà trường đang tìm địa điểm để di chuyển các lớp học, trả mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công”.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết, giai đoạn 2017 - 2020 có 49 dự án trường học trực thuộc Sở được đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện nay, Sở đã báo cáo và được chấp thuận ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cho 9 dự án trường học xuống cấp trầm trọng, cần nguồn vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng/dự án, trong đó có 2 dự án triển khai ngay trong năm 2017 là trường THPT Trần Nhân Tông và THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). “Hiện tại, dự án trường THPT Xuân Đỉnh, THPT Trần Nhân Tông đã được bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; 7 dự án trường học còn lại đang được rà soát lại về quy mô đầu tư để bảo đảm hiệu quả lâu dài và đạt đủ tiêu chí trường chuẩn quốc gia” - ông Cẩn cho hay.
Được biết, căn cứ vào thực trạng của các nhà trường, UBND TP đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án sửa chữa, chống xuống cấp cho 40 trường học trong năm 2018 với tổng vốn đầu tư 104 tỷ đồng. Lộ trình triển khai, mức đầu tư cụ thể cho từng đơn vị sẽ được căn cứ theo mức độ xuống cấp và yêu cầu thực tế về nhiệm vụ dạy - học.