Diễn đàn kinh tế được coi là uy tín nhất do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức thường niên (mùa xuân và mùa thu), sẽ diễn ra trong 2 ngày 21-22/4.
Nhiệm vụ được Ủy ban Kinh tế đặt ra cho nội dung này là "biến lời nói thành hành động". Năm nay, bên cạnh việc bàn thảo về chủ đề tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các đại biểu cũng tập trung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và kiến nghị giải pháp triển khai kế hoạch năm 2015. Và chủ đề này sẽ được thảo luận trong ngày hôm nay 21/4.
Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Nghệ an tổ chức tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
|
Trong các tham luận đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô 2014 và những tháng đầu năm 2015, đa phần ý kiến chuyên gia đều đánh giá cao tính ổn định, song là ổn định ở mức độ thấp của nền kinh tế, trong bối cảnh tổng cầu phục hồi chậm và Việt Nam chưa tìm ra động lực mới cho tăng trưởng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nền kinh tế VN đang lạc quan phục hồi nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm cần làm rõ. Trong quý I, mặc dù kinh tế đang sáng lên, nhưng số doanh nghiệp gặp khó buộc phải tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, với 16.175 doanh nghiệp. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp thách thức trong bối cảnh hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do "ở trình độ rất cao" vào cuối năm nay, từ đó cần những giải pháp căn cơ hơn để tránh những tổn thất cho nền kinh tế.
Hoạt động của thị trường tài chính - tiền tệ nói chung có sự ổn định hơn trong năm 2014 so với hai năm trước đó. Nhưng đó dường như chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát trên toàn hệ thống vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, rõ ràng nhất là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu mang tính cơ học, phi thị trường.
Tốc độ khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên nhưng tư nhân lại giảm mạnh. Dường như những địa phương nào nhận được nhiều FDI vào mạnh thì tăng trưởng tăng mạnh, như Bình Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh còn những địa phương nào vào ít thì ảm đạm hơn như Bà Rìa Vũng Tàu, Nghệ An. Sự thiên lệch này làm méo mó môi trường kinh doanh. 90% kim ngạch của VN thanh toán bằng đồng UDS. NHNN phát thông điệp ổn định tỷ giá 2%, nhưng 4 tháng đầu năm nay đã chiếm đến 1% và theo đánh giá của ông Thiên, năm nay vấn đề tỷ giá sẽ là sức ép lớn.
Việc giảm được rất nhiều thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm cũng 4 năm trước mới giảm được 70 giờ, trong khi năm 2014 mới 4-5 tháng mà đã giảm được 300 giờ. “Có lẽ đây là “bí ẩn của bộ máy” mà chỗ này chỉ đúng khi gắn đúng người đúng việc và chịu trách nhiệm cá nhân”- ông Thiên nhấn mạnh. Với cách điều hành này sẽ là điểm nhấn cho năm 2015-2016.
Phần tham luận của PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho thấy, các số liệu về nợ công vẫn được báo cáo trong phạm vi an toàn, song nêu phân tích sâu hơn về đặc điểm và cách tính nợ công của Việt Nam, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ sẽ thấy đây là một thực trạng đáng quan ngại hơn nhiều so với các con số.
Các số liệu công bố chính thức tới thời điểm hiện tại đều cho thấy tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam luôn ở dưới mức 65%. Bên cạnh đó, tính thanh khoản nợ công của Việt Nam được đánh giá khá tốt với trên 80% các khoản nợ nước ngoài là dài hạn với lãi suất thấp. Với những con số thống kê kể trên, khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao.
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là cần cân nhắc trong tương lai ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65%; khả năng trả nợ là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách.
Bên cạnh đó, các tính toán về nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam có những sai lệch ở các nguồn khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Vì vậy, việc đánh giá rủi ro đối với nợ công Việt Nam không thể dựa trên các khoản nợ ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dù không được Chính phủ bảo lãnh, nhưng khi gặp vấn đề về khả năng thanh toán, có thể vẫn phải dùng đến ngân sách nhà nước để trả nợ.
Mặt khác, về mặt chi tiêu công, Việt Nam hiện ở mức rất cao so với các nước. Chi tiêu chính phủ của Việt Nam luôn chiếm tới hơn 30% GDP trong những năm gần đây. Mức bội chi ngân sách tiếp tục tăng từ mức dự kiến 224.000 tỷ đồng trong năm 2014 lên 226.000 tỷ đồng năm 2015. Việc điều chỉnh và cắt giảm chi tiêu công có cải thiện nhưng chưa hiệu quả, bộ máy công quyền hiện vẫn cồng kềnh và tốn kém.
Trong khi đó, thu ngân sách lại thiếu bền vững, đặc biệt là các khoản thu từ dầu thô và các tài nguyên khác do các nguồn này là hữu hạn, phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Vì lẽ đó, ông Thiên kết luận, phục hồi của năm 2014 mới chỉ là bồi bổ sức khỏe, tăng lực chứ chưa được chữa bệnh, mà ở đây chính là tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ được khởi động trong năm qua. Theo ông Thiên, không nên quá tập trung cho tăng trưởng chạy theo con số mà nên tập trung ưu tiên cho 3 mục tiêu là tái cơ cấu và cải cách hành chính; tập trung cho hội nhập; và ưu tiên tập trung tháo gỡ nút thắt nợ xấu và tỷ giá. Và phần tái cơ cấu nền kinh tế sau phần nghỉ giải lao sẽ được các chuyên gia đánh giá và kiến nghị các giải pháp quyết liệt để tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 được tổ chức trong hai ngày 21 và 22/4. Nội dung gồm hai phần chính: Đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, kiến nghị giải pháp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các diễn giả chính đăng đàn là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên và nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển… Ngoài ra, diễn đàn còn có tham luận của đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia… |