Ưu tiên đầu tư cho giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề xuất, cần thiết ưu tiên đầu tư cho giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sáng 24/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh tác động như hiện nay, việc tập trung giải ngân đầu tư công rất quan trọng; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, giai đoạn tới Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ, bởi trong kế hoạch còn chưa thấy chú trọng đến vấn đề này.

“Khi nguồn lực có hạn cùng với những tác động của dịch Covid-19, chúng ta nên lựa chọn các dự án mang tính cấp thiết. Trong đó ưu tiên phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đồng thời ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp cũng như bảo đảm an sinh cho công nhân tại các khu vực này” - đại biểu Nguyễn Phi Thường đề xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, chúng ta nói đầu tư cho giáo dục cao, nhưng chủ yếu đầu tư cho con người, còn đầu tư cho toàn ngành còn thấp, chưa góp phần tạo đột phá trong xây dựng nguồn nhân lực, tôi tha thiết đề nghị trong kế hoạch sắp tới dành ưu tiên nhiều hơn cho giáo dục đào tạo, trong đó chú ý là đại học và cao đẳng.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh, về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới, việc đào tạo các trường nghề chất lượng cao được đề cập trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ cho biết sẽ đề cập vào kế hoạch đầu tư, nhưng trong báo cáo lại không có, cần đưa vào để bảo đảm. Việc tạo đột phá chiến lược, trong đó có đầu tư cho giáo dục và văn hóa, tăng cường ngân sách cho giáo dục đại học và cao đẳng để nâng cao chất lượng nguồn nhân thực.

Đại biểu Dương Minh Ánh thảo luận tại tổ Hà Nội

Bên cạnh đó, cần bố trí thêm nguồn ngân sách cho các trường nghề để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo kỹ năng lao động. Cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, thúc đẩy phát triển các sơ sở giáo dục đào tạo nghề chất lượng cao để đẩy mạnh phát triển nguồn lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của khu vực, đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển đất nước.

“Tuy nhiên, trong kế hoạch của Chính phủ, việc đầu tư công cho các trường nghề chất lượng cao hơn 8,600 tỷ đồng là còn thấp. Ngoài ra, cần tăng nguồn đầu tư cho văn hóa, xây dựng các công trình, thiết chế, di sản văn hóa. Đây là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế gắn với văn hóa để hài hòa” - đại biểu Dương Minh Ánh chia sẻ.

Đồng quan điểm đầu tư cho văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn thông tin, thời gian qua, việc đầu tư cho văn hóa chưa được ưu tiên, nhưng văn hóa hiện là sức mạnh mềm. Trong việc xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn còn manh mún, vẫn chỉ tập trung vào việc sửa chữa, nâng cấp chứ chưa đầu tư xây dựng được công trình nào mang tầm quốc tế, hoặc xây dựng các công trình văn hóa lớn của đất nước.

“Nếu không xây dựng các thiết chế văn hóa lớn xứng tầm, chúng ta không thể tạo được dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh. Hiện nay, nhiều thành phố đã vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình, thì nhu cầu về hưởng thụ văn hóa tăng, qua đó rất cần các công trình văn hóa xứng tầm. Dự án bảo tàng văn hóa quốc gia cũng cần phải được thực hiện trong nhiệm kỳ này. Tỷ lệ đầu tư cho văn hóa chiếm 0,95% là quá thấp so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, nên cần thay đổi ưu tiên” - đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần