Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/10, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” đã tổ chức Hội nghị giao ban quý III/2018, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
 Toàn cảnh hội nghị
Hà Nội dẫn đầu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong những tháng qua, ngành nông nghiệp của TP đạt mức tăng trưởng khá (6 tháng đầu năm tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến tháng 6/2018 ước đạt 43,16 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 2%. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực và bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi.

Đối với việc xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM. TP có 4 huyện đạt chuẩn NTM và có 297 xã (chiếm 76,94% tổng số xã trên địa bàn TP) đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, hưởng ứng phát động của Thành ủy, UBND TP về chung sức xây dựng NTM, từ năm 2016 đến nay các quận đã hỗ trợ các huyện với tổng kinh phí là 379,9 tỷ đồng (tăng 145,9 tỷ đồng so với cuối năm 2017). Trong đó, 9 tháng đầu năm 2018 đã hỗ trợ 145,9 tỷ đồng.
Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02/Ctr/TU đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các sở ban ngành, các quận, huyện, thị xã các xã và đặc biệt là sự tham gia tích cực của Nhân dân toàn TP trong việc triển khai thực hiện chương trình.

Đối với vấn đề phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của TP cũng như cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và DN trong chuỗi giá trị.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị
Lưu ý một số nhiệm vụ về xây dựng NTM, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02/Ctr/TU yêu cầu, tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong Nhân dân. Huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018 để phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm và phấn đấu đến cuối năm 2018 có thêm 26 xã trở lên đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, các sở, ban, ngành TP nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn để thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đăng ký với TP xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành công tác xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.

Về việc nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của TP về giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn cũng như chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn. Phát triển hệ thống dịch vụ để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.